Bình Liêu: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

  • Home
  • Bình Liêu: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch
Bình Liêu: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch

Bình Liêu: Bảo tồn văn hóa gắn với phát triển du lịch


Cụ thể hóa Nghị quyết 11-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Quảng Ninh đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”, trong những năm qua, Bình Liêu đã chú trọng dành nhiều nguồn lực thực hiện công tác bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa trên địa bàn, đặc biệt gắn với phát triển du lịch mang dấu ấn riêng. 

Trình diễn trang phục đám cưới của người Dao Thanh Phán Bình Liêu tại Cuộc thi “Người trình diễn trang phục dân tộc đẹp nhất” năm 2022.

Với trên 96% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, vì vậy chính sự phong phú trong cộng đồng các dân tộc ở Bình Liêu cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc đã làm nên một vùng đất văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, trở thành tài nguyên vô giá để Bình Liêu phát triển du lịch. Xác định phát triển kinh tế dựa vào 3 trụ cột thiên nhiên – văn hóa – con người, thời gian qua, huyện Bình Liêu đã tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đẩy mạnh tuyên truyền, khơi dậy tình yêu của nhân dân với văn hóa truyền thống, huy động sức mạnh nhân dân trong công tác bảo tồn và phát huy các vốn quý về văn hóa, coi đây là nền tảng tinh thần, sức mạnh nội sinh, động lực cho du lịch phát triển.

Đến nay, huyện Bình Liêu có 3 di tích cấp tỉnh gồm: Di tích lịch sử, văn hóa đình Lục Nà, di tích – danh thắng thác Khe Vằn, di tích – danh thắng Ruộng bậc thang xã Lục Hồn. Cùng với đó, nhiều phong tục tập quán, lễ hội được giữ gìn và lưu truyền như: Lễ hội đình Lục Nà, Hội Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ, Ngày Hội Kiêng gió của dân tộc Dao.

Vài năm trở lại đây, các Hội hoa Sở, Hội Mùa vàng, Ngày hội Văn hóa – Thể thao… được hình thành, tổ chức thường niên gắn chủ trương phát triển du lịch của huyện thông qua chuỗi hoạt động văn hóa đặc sắc, như: Biểu diễn nghệ thuật hát dân ca; tái hiện các nghi lễ truyền thống (đám cưới của người Sán Chỉ, người Dao, lễ cấp sắc của người Dao; lễ mừng cơm mới của người Tày…); trình diễn trang phục dân tộc; tổ chức các trò chơi dân gian. Qua đó, đã góp phần giới thiệu, quảng bá, tạo cơ hội để du khách tìm hiểu, trải nghiệm, khám phá thiên nhiên, văn hóa của mảnh đất biên giới vùng Đông Bắc.

Tái hiện lễ rước dâu trong đám cưới của người Sán Chỉ trong khuôn khổ Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2022.

Huyện cũng tích cực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch Tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030, Đề án Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.

Đến nay, huyện đã hoàn thành Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; đang hoàn thiện đề cương Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; Đề án Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”… nhằm bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống, tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng, xây dựng thành “bảo tàng sống” trong cộng đồng các dân tộc.

Truyền dạy hát Then – đàn Tính trong các trường học tại Bình Liêu.

Ngoài ngôn ngữ, trang phục truyền thống, nét đặc sắc của Bình Liêu không phải nơi nào cũng có được chính là không gian lưu trữ của những làn điệu dân ca mượt mà, đằm thắm, như: Hát Then của người Tày, hát Pả dung của người Dao; hát Soóng cọ của người Sán Chỉ, vẫn được bao thế hệ người dân gìn giữ và lưu truyền cho đến ngày nay. Từ đây, Bình Liêu tập trung đẩy mạnh công tác truyền dạy trong cộng đồng và tại các trường học; hình thành các câu lạc bộ hát dân ca tại các xã, thị trấn; đưa vào biểu diễn phục vụ tại các lễ hội và các chương trình giao lưu nghệ thuật ở trong và ngoài huyện.

Năm 2019, di sản Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái ở Việt Nam được ghi danh là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại, trong đó Then Tày Bình Liêu là đại diện của Quảng Ninh. Bình Liêu hiện đang phối hợp với các cơ quan liên quan triển khai lập hồ sơ đề nghị hát Soóng cọ của dân tộc Sán Chỉ là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Thi đấu môn đẩy gậy tại Hội Mùa vàng Bình Liêu năm 2023.

Bí thư Huyện ủy Bình Liêu Nguyễn Thị Tuyết Hạnh nhấn mạnh: Cụ thể các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh về phát triển văn hóa, con người đã góp phần tạo bước chuyển mạnh mẽ, nâng cao năng lực lãnh đạo của Đảng bộ, quản lý, điều hành của chính quyền từ huyện đến cơ sở trong thực hiện xây dựng, phát triển văn hóa, con người Bình Liêu nói riêng, tạo động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo quốc phòng, an ninh nói chung.

Tin tưởng với những nỗ lực trong công tác bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa gắn với phát triển du lịch sẽ tiếp tục góp phần lan tỏa, giới thiệu, quảng bá sâu rộng về hình ảnh vùng đất, con người Bình Liêu, không ngừng khơi dậy nét đẹp trong đời sống văn hóa cộng đồng, chung tay gìn giữ trọn vẹn bản sắc văn hóa Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trong tiến trình hội nhập và phát triển. Đồng thời, hiện thực hóa mục tiêu xây dựng huyện Bình Liêu trở thành trung tâm du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái trải nghiệm, du lịch nông nghiệp, du lịch văn hóa, du lịch biên giới của tỉnh.





Du thuyền 5 sao Hạ Long