Bình Liêu: Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

  • Home
  • Bình Liêu: Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch gắn với bảo tồn văn hóa
Bình Liêu: Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch gắn với bảo tồn văn hóa

Bình Liêu: Khai thác hiệu quả thế mạnh du lịch gắn với bảo tồn văn hóa


Bình Liêu là huyện miền núi biên giới của tỉnh Quảng Ninh với trên 96% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ. Mỗi dân tộc có những truyền thống, tập quán sinh hoạt riêng đã góp phần bồi đắp, cung cấp tài nguyên văn hóa quý báu để huyện phát triển du lịch một cách bền vững.

Xác định lấy thiên nhiên – văn hóa – con người làm 3 trụ cột cho phát triển kinh tế, trong đó có phát triển du lịch, thời gian qua, huyện Bình Liêu tích cực, chủ động xây dựng và triển khai thực hiện Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch huyện Bình Liêu giai đoạn 2016-2020, định hướng đến năm 2030; Đề án bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống cộng đồng các dân tộc trên địa bàn giai đoạn 2015-2020, định hướng đến năm 2030 phục vụ phát triển du lịch.

Các bản làng được huyện Bình Liêu xây dựng trở thành những bảo tàng sống gắn bảo tồn văn hóa truyền thống với phát triển du lịch. Ảnh: Phụ nữ Tày với hát Then, đàn Tính tại thôn Đồng Thanh, xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu.

Trong đó, huyện đã phê duyệt Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa tiêu biểu tộc người Tày Bình Liêu phục vụ phát triển du lịch cộng đồng trên địa bàn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thiện đề cương Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Dao gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Sông Moóc, xã Đồng Văn giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; đề cương Đề án bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa người Sán Chỉ gắn với phát triển du lịch cộng đồng tại bản Lục Ngù, xã Húc Động giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030; hoàn thành xây dựng cuốn sách “Học tiếng Tày Bình Liêu”… Từ đó, không chỉ bảo tồn, trao truyền văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ mà còn tạo sản phẩm văn hóa đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng.

Huyện cũng tập trung xây dựng các hội và lễ hội truyền thống trở thành sản phẩm du lịch văn hóa độc đáo, hấp dẫn du khách. Các hội và lễ hội được tổ chức theo hướng quy mô, bài bản, chuyên nghiệp, lý giải ý nghĩa yếu tố văn hóa gốc đồng thời nghiên cứu, xây dựng nội dung, cốt truyện nhằm tạo sự liên kết với du khách, giúp du khách thấu hiểu các phong tục, tập quán của cộng đồng dân cư bản địa.

Năm 2023, điệu hát Soóng Cọ của cộng đồng người Sán Chỉ tại Quảng Ninh được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Trong đó, xã Húc Động (Bình Liêu), nơi có trên 82% người dân Sán Chỉ sinh sống được coi là một điểm sáng của việc bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của lối hát dân gian Soóng Cọ gắn với phát triển du lịch.

Xã Húc Động (huyện Bình Liêu) là một trong những địa phương bảo tồn và phát huy tốt làn điệu Soóng Cọ với phát triển du lịch. Ảnh: Phụ nữ Sán Chỉ ở Húc Động hát Soóng Cọ dưới chân thác Khe Vằn.

Đến nay, Húc Động là xã tiên phong trên địa bàn toàn tỉnh trong việc duy trì tổ chức Hội hát Soóng Cọ thường niên. Cùng với duy trì, tạo không gian giao lưu văn hóa, văn nghệ cho người dân, Hội hát Soóng Cọ với nhiều hoạt động quảng bá văn hóa hấp dẫn, độc đáo như triển lãm ảnh, trưng bày và bán các sản phẩm OCOP, đồng diễn lập kỷ lục về xào phở… khẳng định sản phẩm du lịch lễ hội thành công. Chỉ tính riêng trong năm 2023, hội Soóng Cọ được tổ chức tại Húc Động đã thu hút 30.000 du khách, bằng 1/5 tổng lượng khách du lịch tới Bình Liêu trong cả năm.

“Khi du lịch được phát huy gắn với các giá trị văn hóa tiêu biểu và đặc sắc của cộng đồng dân cư, nhận thức của mỗi người dân về bảo tồn văn hóa cũng được nâng lên. Mỗi người dân Bình Liêu nói chung và mỗi hộ gia đình tại Bình Liêu đang làm du lịch nói riêng, họ đều ý thức được rằng chính những giá trị văn hóa riêng có của dân tộc mới tạo ra sự khác biệt, khiến du khách lựa chọn đến với Bình Liêu” – ông Mạc Ngọc Điệp, Trưởng Phòng VH-TT huyện Bình Liêu nhận định.

Năm 2024, trong kế hoạch mở rộng thị trường khách du lịch quốc tế, tập trung thu hút du khách qua cặp cửa khẩu Hoành Mô (Quảng Ninh, Việt Nam) – Động Trung (Quảng Tây, Trung Quốc) và liên kết đưa khách du lịch tàu biển từ Hạ Long về Bình Liêu, huyện xác định trải nghiệm văn hóa là chìa khóa để thu hút du khách, về đích các mục tiêu, trong đó có việc đón 250.000 lượt du khách và đạt doanh thu du lịch 243 tỷ đồng trong năm 2024.





Du thuyền 5 sao Hạ Long