Chuyển đổi số giúp du lịch tăng tốc bứt phá

  • Home
  •  Chuyển đổi số giúp du lịch tăng tốc bứt phá
 Chuyển đổi số giúp du lịch tăng tốc bứt phá

 Chuyển đổi số giúp du lịch tăng tốc bứt phá


Bắt nhịp cùng sự vận động của ngành Du lịch trong nước, quốc tế, thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TU (ngày 5/2/2022) của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, ngành Du lịch Quảng Ninh xác định chuyển đổi số là giải pháp, hướng đi tất yếu giúp du lịch tăng tốc bứt phá và phát triển bền vững.

Du khách quét mã QR tra cứu thông tin du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Du khách quét mã QR tra cứu thông tin du lịch tại Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Theo đánh giá của các chuyên gia, thời gian qua, nhất là giai đoạn dịch bệnh, ngành Du lịch Quảng Ninh đã nỗ lực ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số để thích ứng linh hoạt và duy trì hoạt động. Nhiều sản phẩm du lịch thông minh hình thành, góp phần đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của khách du lịch. Điển hình, Bảo tàng Quảng Ninh – điểm đến đã và đang triển khai chuyển đổi số rất hiệu quả. Đây là bảo tàng cấp I trong hệ thống bảo tàng của Việt Nam. Ngoài hệ thống hiện vật, Bảo tàng Quảng Ninh chú trọng đầu tư, ứng dụng khoa học công nghệ phục vụ công tác trưng bày với trên 50 màn hình tivi, màn hình led, màn hình cảm ứng tra cứu thông tin các loại cùng một trung tâm điều khiển âm thanh, ánh sáng, trình chiếu với khoảng 1.000 thiết bị. Đây cũng là bảo tàng tiên phong trong cả nước xây dựng bảo tàng ảo, sử dụng công nghệ 3D để khiến không gian trưng bày hấp dẫn như không gian thực. Với bảo tàng ảo, du khách có thể tham quan từ xa mà không phải đến tận nơi.

Tại Vịnh Hạ Long, Ban Quản lý Vịnh Hạ Long đã xây dựng phần mềm tích hợp dịch vụ hành khách qua cảng tàu du lịch theo hóa đơn điện tử, thu phí vé tham quan Vịnh bằng internet banking và quét mã QR. Quảng Ninh cũng đã đầu tư hơn 100 điểm phát wifi công cộng miễn phí tại các khu vực sân bay, bến xe bus, địa điểm du lịch trên địa bàn để hỗ trợ người dân, du khách trong tra cứu các điểm đến. Đồng thời, lắp đặt hệ thống camera giám sát ở một số hang động lớn như: Đầu Gỗ, Thiên Cung… và hệ thống định vị GPS trên các tàu du lịch tham quan Vịnh Hạ Long.

Phố thông minh không dùng tiền mặt tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.
Phố thông minh không dùng tiền mặt tại Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu.

Không chỉ các điểm du lịch, các địa phương cũng đang đẩy mạnh chuyển đổi số, mang đến nhiều tiện ích cho du khách, như: Huyện Cô Tô thực hiện thí điểm gắn 30 mã QR tra cứu thông tin tại 9 tuyến đường trọng điểm, dịch vụ, du lịch hỗ trợ người dân và du khách. Theo ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Cô Tô, mỗi tuyến đường được lắp mã QR sẽ cung cấp thông tin về lộ trình, địa điểm hiển thị cùng chiều dài toàn tuyến, lộ giới đường và tiểu sử về nhân vật, ngày tháng, ý nghĩa tên đường, tên phố bằng 2 ngôn ngữ tiếng Việt và tiếng Anh; sử dụng công nghệ chuyển văn bản thành giọng nói Text to speech. Ngoài ra, người dân và du khách có thể tìm kiếm thông tin về tuyến đường, tuyến phố, các điểm di tích, lịch sử, thông tin du lịch Cô Tô tại địa chỉ https://cototourism.vn/. Thời gian tới, địa phương tiếp tục gắn mã QR toàn bộ tuyến đường trên địa bàn huyện, thực hiện gắn mã QR thuyết minh tự động gắn trên xe điện du lịch, xây dựng bản đồ số du lịch, số hóa thông tin toàn bộ tuyến, điểm du lịch, bãi tắm du lịch, các sản phẩm du lịch, các đặc sản mang thương hiệu Cô Tô…

Tại Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh 2023 diễn ra ngày 17/3, ông Phạm Quốc Hòa, Phó Giám đốc điều hành, Trung tâm Thông tin du lịch (Tổng cục Du lịch) đã đánh giá: Quảng Ninh là một trọng điểm du lịch của cả nước với hệ thống cơ sở hạ tầng được quan tâm đầu tư mạnh mẽ, hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch phong phú, đa dạng, đẳng cấp, thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh hàng năm. Do vậy, các giải pháp về chuyển đổi số cần hướng đến tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm của khách, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý du lịch trên địa bàn. Tuy nhiên, việc chuyển đổi số hiện nay còn thiếu liên kết. Bên cạnh đó là những khó khăn, thách thức liên quan đến nhân lực, liên kết hợp tác, chuyển đổi nhận thức, thiếu đồng bộ trong triển khai…

Để thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành Du lịch, ngành Du lịch Quảng Ninh cần tận dụng hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch để tối ưu hóa nguồn lực, tạo sự đồng bộ về dữ liệu, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch như áp dụng ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” của Tổng cục Du lịch để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh; triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch thanh toán không dùng tiền mặt. Bên cạnh đó, tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch; triển khai hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện…

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh, Sở đã và đang chủ động đẩy mạnh chuyển đổi số trong ngành Du lịch, nhằm tăng cường khả năng cạnh tranh, thu hút du khách, tạo môi trường du lịch an toàn tối đa. Bên cạnh đó, khuyến khích các doanh nghiệp tăng cường chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ, sử dụng các tiện ích phục vụ tốt hơn đối với người dân và du khách. Ngành Du lịch Quảng Ninh tiếp tục triển khai mạnh mẽ các giải pháp chuyển đổi số thông qua đẩy mạnh cung cấp các dịch vụ du lịch thông minh, như: Thẻ du lịch thông minh, bản đồ số du lịch, ứng dụng thuyết minh du lịch, ứng dụng du lịch trên nền tảng di động… phục vụ du khách; ứng dụng công nghệ số để quản lý, điều hành du lịch; hình thành các sản phẩm du lịch số bằng công nghệ thực tế ảo, số hóa điểm đến du lịch bằng giao diện ảnh 360, 3D…





Du thuyền 5 sao Hạ Long