Để Quảng Ninh là điểm đến không thể bỏ lỡ

  • Home
  • Để Quảng Ninh là điểm đến không thể bỏ lỡ
Để Quảng Ninh là điểm đến không thể bỏ lỡ

Để Quảng Ninh là điểm đến không thể bỏ lỡ


Năm 2023, Quảng Ninh đặt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách, trong đó 2 triệu khách quốc tế. Để hiện thực mục tiêu này, sáng 17/3, tại Hội nghị phát triển du lịch Quảng Ninh năm 2023 do tỉnh Quảng Ninh tổ chức, nhiều chuyên gia đầu ngành, doanh nghiệp, nhà đầu tư liên quan đến lĩnh vực du lịch đã đưa ra những giải pháp, sáng kiến nhằm tạo đột phá về phát triển du lịch của Quảng Ninh.

Các chuyên gia, doanh nghiệp lớn hoạt động trong lĩnh vực du lịch tham gia phiên thảo luận tại hội nghị.

Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Nam Ninh (Trung Quốc) Đỗ Nam Trung: “Cần quan tâm đến những nhu cầu cốt lõi của du khách Trung Quốc khi du lịch tại Quảng Ninh”.

Tôi cho rằng hợp tác du lịch giữa Quảng Ninh và Trung Quốc đang hội tụ nhiều nhân tố thuận lợi về thiên thời, địa lợi, nhân hòa. Thiên thời là bối cảnh quan hệ 2 nước trên đà phát triển tốt đẹp và từ ngày 15/3, khi Trung Quốc mở cửa du lịch qua cặp cửa khẩu Quốc tế Móng Cái (Việt Nam) – Đông Hưng (Trung Quốc) thì Việt Nam nói chung, Quảng Ninh nói riêng được du khách háo hức đến du lịch. Địa lợi là Quảng Ninh đang là địa phương duy nhất có thể đến du lịch bằng cả đường bộ, đường biển. Nhân hòa là truyền thống giao lưu nhân dân mật thiết giữa người dân 2 bên.

Tuy nhiên, để mang lại những trải nghiệm hài lòng cho du khách, các bạn cũng cần quan tâm đến những nhu cầu cốt lõi của du khách Trung Quốc khi đi du lịch tại Quảng Ninh. Thứ nhất, du khách Trung Quốc rất thích những khu vực đông vui, náo nhiệt, có biển, thuận tiện mua đồ ăn vặt và hàng hóa. Vì vậy các tour biển, nghỉ dưỡng thường là ưu tiên hàng đầu của họ. Bên cạnh đó, họ cũng yêu thích tour tham quan, khám phá di sản, di tích. Thứ 2, du khách Trung Quốc có sở thích đi theo đoàn đông và ăn uống là mối quan tâm hàng đầu của họ khi đi du lịch và người Trung Quốc thích ăn đồ Trung Quốc nên chúng ta cần tăng cường các nhà hàng chuyên phục vụ cho khách Trung Quốc.  Thứ 3, kinh nghiệm cho thấy khách Trung Quốc ít dùng tiếng Anh nên các khách sạn, nhà hàng cần tuyển thêm nhân viên biết tiếng Trung. Thứ 4, Quảng Ninh cũng cần quảng bá hình ảnh, tạo ra các sản phẩm hấp dẫn hơn nữa để đưa Quảng Ninh trở thành điểm cần phải đến của khách Trung Quốc.

Với vai trò là cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam tại nước ngoài, chúng tôi sẵn sàng phối hợp với các bộ, ngành liên quan và các địa phương, trong đó có Quảng Ninh để xây dựng cách tiếp cận, xúc tiến các sản phẩm cụ thể, phù hợp với thị hiếu của thị trường và tổ chức các hoạt động quảng bá. Dự kiến năm 2023, chúng tôi tiếp tục phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức roadshow du lịch tại Quảng Tây và nhiều hoạt động thiết thực khác.

Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Du lịch Nguyễn Anh Tuấn: “Đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch hướng đến mục tiêu phát triển bền vững”

Với thế mạnh về tài nguyên tự nhiên và sở hữu kho tàng văn hóa, khảo cổ lớn… , vốn là những yếu tố cơ bản hình thành loại hình và sản phẩm du lịch hấp dẫn, có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ trong nước và quốc tế, Quảng Ninh có nhiều cơ hội mới cho phát triển du lịch.

Với mục tiêu phục hồi hoàn toàn hoạt động du lịch của tỉnh vào năm 2024, đến năm 2030 đón được ít nhất 25,4 triệu lượt khách du lịch, theo tôi ngành du lịch Quảng Ninh cần chủ động, năng động khắc phục mọi khó khăn, hạn chế hiện nay, đồng thời nhạy bén hơn nữa trong việc nắm bắt kịp thời xu hướng phát triển và nhu cầu du lịch mới, nỗ lực cao độ để thực hiện đồng bộ các giải pháp phục hồi và phát triển du lịch tỉnh theo đúng định hướng tăng trưởng xanh, kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu phát triển bền vững.

Trong đó, Quảng Ninh cần đổi mới, hoàn thiện cơ chế huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là nguồn lực xã hội; có cơ chế ưu tiên nguồn lực cho công tác đào tạo nhân lực, đầu tư phát triển sản phẩm và xúc tiến quảng bá du lịch; đẩy mạnh đầu tư, phát triển kết cấu hạ tầng và cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch. Cùng với đó, tiếp tục rà soát, đánh giá lại hệ thống các sản phẩm du lịch theo vùng, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh, đặc thù của du lịch Quảng Ninh; tạo thêm các dịch vụ bổ sung, các giá trị gia tăng mới cho các sản phẩm du lịch hiện có; xây dựng mới và đa dạng hóa sản phẩm du lịch như phát triển các phẩm du lịch đường biển; sản phẩm du lịch đêm và các sản phẩm du lịch sáng tạo khác.

Quảng Ninh cần xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và xúc tiến quảng bá; phát triển nguồn nhân lực du lịch chuyên nghiệp; chuyển đổi số trong phát triển du lịch; triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác phát triển thị trường; xây dựng cơ chế chính sách về hỗ trợ phát triển du lịch bền vững; hoàn thiện hệ thống chính sách về bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh.

Phó Giám đốc Điều hành Trung tâm thông tin du lịch, Tổng cục Du lịch Hoàng Quốc Hòa: “Thúc đẩy chuyển đổi số trong ngành du lịch Quảng Ninh”

Để thu hút lượng lớn du khách trong và ngoài nước đến với Quảng Ninh thời gian tới, cùng với quan tâm đầu tư mạnh mẽ, hệ thống các cơ sở cung cấp dịch vụ du lịch, Quảng Ninh cần thúc đẩy chuyển đổi số, hướng đến tạo thuận lợi cho việc thu hút khách du lịch, nâng cao trải nghiệm của khách, hỗ trợ hoạt động kinh doanh, cũng như góp phần nâng cao hiệu quả công tác quản lý du lịch trên địa bàn.

Ngành du lịch Quảng Ninh cần tận dụng hệ sinh thái chuyển đổi số ở tầm quốc gia của Tổng cục Du lịch để tối ưu hóa nguồn lực, tạo sự đồng bộ về dữ liệu, tạo thuận lợi cho hoạt động du lịch. Cụ thể như triển khai áp dụng ứng dụng đa dịch vụ “Du lịch Việt Nam – Vietnam Travel” của Tổng cục Du lịch để quảng bá thông tin, hỗ trợ và gia tăng trải nghiệm của khách du lịch trên địa bàn tỉnh; triển khai các công cụ và phương tiện hỗ trợ khách du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch thanh toán không dùng tiền mặt trên hệ thống thẻ du lịch thông minh của Tổng cục Du lịch; triển khai nền tảng số quốc gia “Quản trị và kinh doanh du lịch” để hỗ trợ cơ quan quản lý, cơ sở kinh doanh du lịch; tăng cường xúc tiến quảng bá hình ảnh, thương hiệu du lịch Quảng Ninh trên các kênh truyền thông số của Tổng cục Du lịch. Đồng thời, triển khai hệ thống vé điện tử, hệ thống thuyết minh đa phương tiện tại các điểm tham quan du lịch, các điểm vui chơi, giải trí trên địa bàn; đẩy mạnh số hóa và tích hợp dữ liệu vào hệ thống cơ sở dữ liệu của Tổng cục Du lịch.

Với vai trò là đơn vị đầu mối về chuyển đổi số của Tổng cục Du lịch, Trung tâm Thông tin du lịch luôn sẵn sàng đồng hành và hỗ trợ Quảng Ninh và doanh nghiệp trong quá trình triển khai chuyển đổi số hoạt động du lịch.

Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh Nguyễn Thế Huệ: “Sản phẩm du lịch quyết định sự sống còn của doanh nghiệp du lịch”.

Trong phát triển du lịch, sản phẩm du lịch sẽ tạo nên sự khác biệt, xây dựng thương hiệu và hình ảnh của mỗi điểm đến, mỗi địa phương và mỗi vùng khác nhau. Việc xây dựng sản phẩm du lịch phù hợp với từng giai đoạn là rất cần thiết và quan trọng, quyết định sự sống còn của doanh nghiệp du lịch trong giai đoạn hiện nay. Với thông điệp “Quảng Ninh không chỉ có Hạ Long và còn nhiều hơn nữa”, Quảng Ninh cần phải phát triển du lịch mạnh mẽ hơn nữa với những nhóm sản phẩm sau: Nhóm sản phẩm tại khu vực Quảng Yên – Uông Bí – Đông Triều, bao gồm du lịch tâm linh, văn hóa tín ngưỡng Phật giáo, du lịch sinh thái cộng đồng, du lịch đồng quê; nhóm sản phẩm du lịch tại TP Hạ Long gồm nghỉ dưỡng, tắm biển, vui chơi giải trí, ẩm thực biển, thương mại, mua sắm, du lịch MICE, phố đêm du thuyền; nhóm sản phẩm tại khu vực Cẩm Phả – Vân Đồn – Cô Tô gồm du thuyền tham quan, du lịch nghỉ dưỡng sinh thái trên các đảo, vui chơi giải trí, ẩm thực biển; nhóm sản phẩm khu vực Tiên Yên – Ba Chẽ – Bình Liêu – Đầm Hà – Hải Hà gồm du lịch sinh thái cộng đồng, biển, đảo, du lịch trải nghiệm; nhóm sản phẩm khu vực TP Móng Cái, gồm tham quan cửa khẩu biên giới, mua sắm hàng hóa, casino và các loại hình vui chơi, giải trí đặc biệt; nhóm sản phẩm du lịch nông nghiệp.

Bên cạnh việc phát triển các sản phẩm du lịch mới, Hiệp hội Du lịch Quảng Ninh mong muốn tỉnh Quảng Ninh sớm mở rộng không gian du lịch đến vịnh Bái Tử Long; tiếp tục khảo sát tuyến du lịch từ cảng Vũng Đục (TP Cẩm Phả) đi tham quan một số điểm du lịch trên Vịnh Bái Tử Long kết nối với Vân Đồn; cho phép đội tàu du lịch tại Hạ Long và Cẩm Phả được đón khách, nghỉ đêm, chèo đò, chèo thuyền kayak tại khu vực Vịnh Bái Tử Long (Vân Đồn); xem xét và cho phép một số bãi tắm trên Vịnh Hạ Long được hoạt động; tiếp tục thí điểm hoạt động dịch vụ tổ chức ăn đêm trên du thuyền…

Giám đốc Chi nhánh Công ty TNHH MTV Dịch vụ lữ hành Saigontourist  tại Quảng Ninh Vũ Thị Hồng Quyên: “Giải pháp thu hút khách du lịch tàu biển”.

Trong số các loại hình du lịch trên thế giới, du lịch tàu biển (DLTB) là loại tình du lịch mang tính chuyên biệt cao, có sức hấp dẫn lớn đối với các quốc gia có đường biển và mang lại nhiều giá trị KT-XH. Do vậy, các quốc gia khu vực Bắc Mỹ, Châu Âu và Châu Á (Singapore, Hongkong, Thái Lan) đều có chính sách đầu tư lớn nhằm phát huy tối đa những giá trị mà DLTB mang lại. Với hơn 3.260km đường biển, sở hữu nhiều vịnh, bãi biển đẹp và nằm ở trung tâm du lịch của khu vực Châu Á Thái Bình Dương, trên tuyến đường biển kết nối giữa hai trung tâm DLTB lớn là Singapore và Hongkong, Việt Nam có nhiều lợi thế trở thành điểm đến được các hãng tàu danh tiếng trên thế giới. Hiện nay, DLTB trên thế giới đang từng bước hồi phục sau đại dịch, nhất là khi Trung Quốc mở cửa trở lại, các hãng tàu sẽ tái lập tuyến du lịch Singapore – Hong Kong, khi đó Việt Nam sẽ trở thành điểm đến không thể thiếu trong hành trình trên.

Quảng Ninh là một trong những điểm đến có nhiều ưu thế để phát triển DLTB. Không chỉ nằm trên tuyến đường biển đưa khách đến Hạ Long rất thuận lợi, nơi có Vịnh Hạ Long – Di sản thiên nhiên thế giới mà Quảng Ninh còn sở hữu nhiều di tích danh lam thắng cảnh đẹp, có hệ thống cơ sở hạ tầng phát triển đồng bộ, các cơ sở cung ứng dịch vụ cơ bản đáp ứng được nhu cầu của khách. Tuy nhiên, để phát triển thị trường khách DLTB, các hãng tàu biển trên thế giới đều có chung những quan tâm cơ bản về điểm đến, về hệ thống cảng biển, hệ thống giao thông, thủ tục pháp lý, chất lượng sản phẩm du lịch, nguồn nhân lực phục vụ, năng lực xử lý tình huống, điều kiện đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và chính sách về visa, thủ tục nhập xuất cảnh… Để tiếp tục phát triển hiệu quả mảng DLTB, tôi đề xuất tỉnh cần tăng cường công tác quảng bá, tiếp thị, xúc tiến và tạo điều kiện cho các hãng tàu đưa khách đến với Hạ Long với các chính sách đột phá, như: Đề xuất miễn phí visa cho khách quá cảnh vào Việt Nam tham quan trong ngày; có chính sách riêng cho các hãng tàu lưu trú đêm; xây dựng phương án dự phòng để có đủ năng lực đón 3-4 tàu cùng đến Hạ Long trong một ngày; đầu tư các điểm mua sắm chất lượng; có kế hoạch đào tạo, đảm bảo đủ nguồn nhân lực bị thiếu hụt do chuyển việc, thôi việc sau dịch bệnh.

Phó Tổng Giám đốc Công ty Du lịch Viettravel Quỳnh Phan Phương Hoàng: “Cần có sự đầu tư cũng như chính sách để kích thích thị trường khách quốc đến với Quảng Ninh”

Mặc dù khách du lịch quốc tế đến Quảng Ninh thời gian này đã có sự tăng trưởng tích cực, tuy nhiên, so với thời điểm trước khi xảy ra dịch Covid-19 thì thị trường này còn khá trầm lắng. Vì vậy, để Quảng Ninh thực hiện mục tiêu thu hút 15 triệu lượt khách, trong đó có 2 triệu khách quốc tế, Quảng Ninh cần chú trọng đầu tư sân bay quốc tế Vân Đồn thông qua việc mở thêm nhiều đường bay tới quốc tế nhằm thu hút lượng khách du lịch cho dịp hè sắp tới và tương lai xa hơn; đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực; mở rộng chính sách visa.

Đồng thời, tập trung đa dạng hóa sản phẩm du lịch, nhất là sản phẩm du lịch về đêm bởi thực tế cho thấy đây vẫn là đang là bài toán đối với ngành du lịch địa phương. Hiện nay, nhu cầu chi tiêu của du khách vào ban đêm chiếm khoảng 70% mức chi tiêu trong toàn bộ hành trình. Tuy nhiên các sản phẩm du lịch – dịch vụ kinh tế đêm hiện tập trung ở nhóm dịch vụ vui chơi giải trí về đêm, còn các yếu tố văn hóa – nghệ thuật là điểm giữ chân và mang du khách trở lại vẫn chưa được khai thác đúng mức. Để níu chân du khách quốc tế, cần phải có giải pháp đẩy mạnh các chương trình trải nghiệm trên địa bàn.

Với việc nghỉ dưỡng là xu hướng du lịch của khách du lịch Châu Á và khách lớn tuổi ở các thị trường xa, Quảng Ninh cũng cần đẩy mạnh hơn nữa các hoạt động xúc tiến quảng bá hình ảnh du lịch địa phương tại các hội chợ du lịch quốc tế, tăng cường đẩy mạnh các hoạt động truyền thông trên các kênh truyền thông, trang mạng xã hội và đặc biệt là các công cụ tìm kiếm; cần các chiến dịch tăng khả năng cạnh tranh điểm đến, đưa Quảng Ninh vào danh sách các điểm đến đạt giải thưởng quốc tế, thông qua đó, dễ dàng tiếp cận với các đối tượng khách quốc tế.

 





Du thuyền 5 sao Hạ Long