Hải Hà: Gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa

  • Home
  • Hải Hà: Gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa
Hải Hà: Gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa

Hải Hà: Gắn phát triển du lịch với bảo tồn bản sắc văn hóa


Những năm gần đây, dịch vụ du lịch dần vươn lên trở thành ngành kinh tế quan trọng của huyện Hải Hà, thúc đẩy mạnh mẽ tái cơ cấu kinh tế của địa phương theo hướng hiện đại. Bản sắc văn hóa cũng vì thế càng được quan tâm bảo tồn, phát huy, trở thành lợi thế thu hút du khách đến trải nghiệm và yêu mến vùng đất, con người nơi đây. 

Phòng VH&TT huyện Hải Hà tổ chức lớp dạy thêu truyền thông trên địa bàn xã Quảng Sơn (tháng 8/2023). Ảnh: Hữu Việt

Xã Quảng Sơn thuộc địa bàn vùng cao của huyện Hải Hà, có tỷ lệ người DTTS chiếm gần 98% dân số. Từ xuất phát điểm khó khăn, những năm gần đây Quảng Sơn dần phát huy nội lực, vươn mình mạnh mẽ trên mọi lĩnh vực, nhất là kinh tế, văn hóa, xã hội. Đến nay, hầu hết các hộ dân trong xã đã tích cực chuyển đổi cơ cấu giống cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế. Nhiều hộ gia đình mỗi năm có thu nhập hơn 100 triệu đồng.

Đặc biệt, những nét văn hóa sinh hoạt, lao động truyền thống của đồng bào các dân tộc nơi đây luôn được quan tâm bảo tồn, với định hướng trở thành một sản phẩm du lịch độc đáo. Huyện và xã cũng chú trọng vận động nhân dân giữ gìn bảo tồn rừng phòng hộ đầu nguồn, ruộng bậc thang, suối đá, hệ thống hoa lan rừng mọc tự nhiên và trồng nhiều cây xanh bản địa ven các bờ suối… Đó là tiềm năng để Quảng Sơn phát triển dịch vụ du lịch, thay đổi tư duy làm kinh tế của nhân dân, nâng cao hơn nữa mức thu nhập.

Mới đây, Phòng VH&TT huyện đã phối hợp tổ chức 3 lớp truyền dạy cách phục dựng, tổ chức lễ cấp sắc, nghề thêu, cách thổi kèn đồng truyền thống của dân tộc Dao Thanh Y, Dao Thanh Phán trên địa bàn xã Quảng Sơn. Lớp học do các nghệ nhân nhiều kinh nghiệm trực tiếp truyền dạy, thu hút hơn 30 học viên tham gia trong bầu không khí sôi nổi, bởi ai cũng mong muốn được hiểu hơn về bản sắc độc đáo của dân tộc mình. Đồng thời đội ngũ này sẽ tiếp tục trở thành nòng cốt trong chiến lược phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc mà huyện Hải Hà đề ra.

Đây là một trong những bước triển khai quan trọng, nhằm cụ thể hóa mục tiêu phát triển du lịch cộng đồng, tạo điều kiện thuận lợi để cộng đồng dân cư nâng cao trách nhiệm trong việc bảo tồn tài nguyên văn hóa. Cũng qua đó, họ thay đổi nhận thức, tích cực tham gia kinh doanh du lịch để được hưởng lợi từ du lịch.

Phần thi trình diễn trang phục truyền thống tại Ngày hội Văn hóa, Thể thao các dân tộc huyện Hải Hà (tháng 8/2023). Ảnh: Hữu Việt

Câu chuyện tại xã Quảng Sơn chỉ là một mảnh ghép nhỏ trong bức tranh phát triển kinh tế huyện Hải Hà theo đề án “Phát triển du lịch và bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa dân tộc huyện Hải Hà giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Theo đó, huyện xác định phát triển sản phẩm du lịch trên cơ sở tiềm năng thế mạnh và bản sắc văn hóa, giá trị tự nhiên, như: Du lịch văn hóa cộng đồng tại xã Quảng Đức, xã Quảng Sơn; du lịch văn hóa lễ hội tâm linh tại đền Trần Hưng Đạo, chùa Hải Hà, đình Cái Chiên; du lịch trải nghiệm tham quan đồi chè tại xã Quảng Long…

Trên cơ sở xây dựng vững chắc các thương hiệu về trải nghiệm văn hóa, tâm linh, mua sắm nông sản OCOP… huyện tiến tới đầu tư phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng sinh thái kết hợp chăm sóc sức khỏe, du lịch cộng đồng homestay, du lịch sinh thái nông nghiệp công nghệ cao. Đặc biệt là nghiên cứu để sớm xây dựng các sản phẩm du lịch thông minh, du lịch thực tế ảo trên nền tảng công nghệ số…

Hiện nay, huyện đã và đang chú trọng thực hiện các hoạt động xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức đa dạng, có mục tiêu, hiệu quả rõ ràng. Có thể kể đến như việc ưu tiên dành nguồn kinh phí ngân sách hằng năm và huy động các nguồn lực xã hội cho công tác xúc tiến đầu tư, quảng bá du lịch địa phương. Đồng thời tăng cường hỗ trợ về hạ tầng du lịch ở các điểm du lịch cộng đồng; khuyến khích và hỗ trợ cộng đồng tham gia bảo tồn, phát triển các giá trị văn hóa dân gian, các lễ hội và nghề truyền thống, các sản phẩm đặc sản địa phương…

Để phát triển dịch vụ du lịch hướng tới trở thành một điểm nhấn của tỉnh, huyện Hải Hà xác định cần khai thác tốt mọi tiềm năng thế mạnh trên địa bàn, nhất là yếu tố về văn hóa truyền thống dân tộc. Nhiệm vụ này không chỉ có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, mà rất cần sự chung tay của người dân, tham gia của doanh nghiệp.

Giai đoạn 2023-2025, Quảng Ninh sẽ xây dựng thêm 9 điểm du lịch cộng đồng khác có giá trị nổi trội về tài nguyên du lịch, giá trị văn hóa, lịch sử của địa phương, đáp ứng tiêu chí về khả năng cung ứng, tính cộng đồng và giá trị bền vững. Huyện Hải Hà và các địa phương miền Đông như Ba Chẽ, Bình Liêu, Tiên Yên, Đầm Hà… sẽ phát triển mạnh về du lịch cộng đồng dựa trên giá trị văn hóa bản địa vùng miền núi, sinh thái khu vực ven biển.

Phát triển du lịch cộng đồng góp phần bảo tồn và phát huy giá trị các di tích lịch sử, danh thắng, văn hóa các dân tộc, đặc biệt là dân tộc thiểu số; tăng cường tình yêu quê hương, đất nước, ý thức tự hào dân tộc. Việc phát triển du lịch cộng đồng cũng tạo thêm nhiều việc làm, góp phần giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới, cải thiện điều kiện sống cho người dân…





Du thuyền 5 sao Hạ Long