Hướng phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch

  • Home
  • Hướng phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch
Hướng phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch

Hướng phát triển của những mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch


Mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch được biết đến từ cách đây gần chục năm trước với điển hình đầu tiên là mô hình du lịch làng quê Yên Đức (TX Đông Triều). Đến thời điểm này, Quảng Ninh đã có hàng chục mô hình nông nghiệp – du lịch như thế, trở thành địa chỉ đỏ thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.

Hợp tác xã Nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) Phất Cờ (xã Hạ Long, huyện Vân Đồn) vốn tồn tại từ gần chục năm qua. Năm 2022, từ sự kết hợp với Công ty CP Tập đoàn nhựa Super Trường Phát, HTX NTTS Phất Cờ thí điểm triển khai mô hình Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ, chuyển đổi hoạt động từ NTTS đơn thuần sang kết hợp đón du khách đến trải nghiệm.

Hiện tại Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ đang có 2ha trồng rong biển xen nuôi hầu, 2ha nuôi hầu treo dây và gần 20 ô lồng nuôi cá biển thương phẩm các loại song, giò, mú, sủ, rìa… Đồng thời Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ liên kết với 30 hộ dân khác trong khu vực để NTTS đạt chuẩn phục vụ du lịch.

Ông Nguyễn Sỹ Bính, Chủ nhiệm Hợp tác xã NTTS Phất Cờ cho biết: Vùng biển Phất Cờ vốn lặng sóng gió, môi trường nước trong lành, phong cảnh non nước hữu tình. Hiện Phất Cờ sử dụng hệ thống vật liệu nổi đạt chuẩn HDPE để NTTS tạo cho mô hình nuôi sạch, đẹp, bền vững, hiệu quả cao, là yếu tố để chúng tôi quyết định đưa du lịch vào chiến lược phát triển của mình.

Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ sạch, đẹp, mang lại cho du khách sự khoáng đạt của của vùng biển nước mênh mông.
Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ sạch, đẹp, mang lại cho du khách sự khoáng đạt của của vùng biển nước mênh mông.

Có thể thấy, tại Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ, du khách cảm nhận sự sinh động, khoáng đạt giữa vùng non nước biển cả. Anh Nguyễn Thành Hoan, TP Hải Phòng cho biết: Tôi theo bạn đến Farm NTTS kết hợp du lịch Phất Cờ này. Tại đây tôi có thể trải nghiệm công việc NTTS, cho cá ăn, ngắm nhìn đàn cá khoẻ mạnh giành mồi tung bọt trắng xoá, phơi sấy cây rong biển, vớt những chùm rong biển lên khỏi mặt nước. Dáng hình những cây rong biển như những cây san hô mọng nước đầy sự khác biệt. Tôi cũng có thể ngồi trong bar, bàn, trên ban công đầy nắng, gió của Farm để thưởng thức những món ngon thuỷ hải sản do chính tay mình lựa chọn… Nói chung là khá thú vị.

Huyện Bình Liêu có thể nói là địa phương đã và đang phát huy thế mạnh nông nghiệp vào phát triển du lịch. Những năm gần đây, Bình Liêu ghi điểm du khách với những Lễ hội hoa sở, với Ngày hội mùa vàng. Tới đây, Bình Liêu sẽ còn có Ngày hội kiêng gió kết hợp trải nghiệm rừng hồi, rừng quế; Phiên chợ vùng cao kết hợp nghề trồng dong, sản xuất miến dong…

Những định hướng phát triển nông nghiệp kết hợp du lịch nói trên khiến cho vùng cao Bình Liêu thêm màu sắc tươi mới, hấp dẫn, thúc đẩy cả lĩnh vực kinh tế du lịch và kinh tế nông nghiệp trên toàn địa bàn huyện. Trên cơ sở này, hiện huyện Bình Liêu đang khuyến khích người dân hình thành những cánh đồng, vườn, ruộng, những sản phẩm nông nghiệp mới lạ trên địa bàn để thu hút khách du lịch.

Cây dâu tây là mô hình nông nghiệp chưa từng có ở Bình Liêu nhưng đã được huyện mạnh dạn khuyến khích nhân rộng, giờ xuất hiện ở nhiều xã trên địa bàn, như Lục Hồn, Đồng Văn, Hoành Mô, thị trấn Bình Liêu… Những cánh đồng dâu tây ở Bình Liêu chín đỏ đã trở thành điểm du lịch thu hút đông đảo du khách. Các chủ vườn dâu tây cho phép du khách tham quan, hái dâu, thưởng thức dâu ngay tại vườn, tạo các điểm cho du khách check in, trải nghiệm công việc làm nông nghiệp…

Du khách trải nghiệm tại vườn dâu tây Bình Liêu. Ảnh địa phương cung cấp.
Du khách trải nghiệm tại vườn dâu tây Bình Liêu. Ảnh địa phương cung cấp.

Quả dâu tây Bình Liêu có ưu điểm tươi, giòn, đậm vị, đậm mùi thơm… Người dân trồng dâu tây trên đồng đất ngoài trời, kết hợp quy trình phủ nilon đen để tránh cỏ mọc, phun tưới nước tự động tạo độ ẩm phù hợp trong đất. Trong cả quá trình trồng cây dâu tây, nông dân tuyệt đối không dùng các loại phân thuốc có gốc hoá học, chỉ ưu tiên sử dụng phân, thuốc hữu cơ đã được hoai ủ. Chính bởi vậy mà du khách sẵn sàng thưởng thức ngay trên đồng ruộng.

Từ thành công của cây dâu tây, trong xu hướng sản xuất nông nghiệp hiện nay của huyện Bình Liêu là khuyến khích những mô hình nông nghiệp giống mới, có hàm lượng khoa học kỹ thuật cao, có trình độ canh tác tốt, đẩy mạnh mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch, hướng tới nền nông nghiệp bền vững và giá trị cao…

Có thể thấy mô hình nông nghiệp kết hợp du lịch đã, đang và sẽ là hướng đi quan trọng, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng cũng như xu thế phát triển tất yếu. Điều đáng nói là các mô hình này không phát triển tự phát, ngắn hạn mà đã ngày càng mở rộng dịch vụ, làm gia tăng sức hấp dẫn đối với du khách, mang lại giá trị cao hơn nhiều so với nông nghiệp hoặc du lịch đơn thuần, tạo ra việc làm, thu nhập cho người dân, đóng góp vào tăng trưởng chung của cả hai ngành kinh tế nông nghiệp và du lịch.





Du thuyền 5 sao Hạ Long