Khách Trung Quốc giờ đã khác xưa, doanh nghiệp buộc phải thay đổi

  • Home
  • Khách Trung Quốc giờ đã khác xưa, doanh nghiệp buộc phải thay đổi
Khách Trung Quốc giờ đã khác xưa, doanh nghiệp buộc phải thay đổi

Khách Trung Quốc giờ đã khác xưa, doanh nghiệp buộc phải thay đổi


Khách Trung Quốc đang du lịch trở lại. Nhưng lần này, những điểm đến nổi tiếng như Venice, Paris hay Madrid không phải là lựa chọn hàng đầu của họ.

Theo viện nghiên cứu Chinese Outbound Tourism Research Institute (COTRI), một công ty tư vấn độc lập có trụ sở tại Đức, khi Trung Quốc mở cửa trở lại sau ba năm chịu ảnh hưởng của COVID-19, những công dân khao khát du lịch của nước này đã khác xưa.

“Những vị khách Trung Quốc chúng ta sẽ chào đón trong năm nay và trong những năm tới rất khác so với trước đây”, Wolfgang Georg Arlt, người sáng lập và giám đốc điều hành của COTRI, cho biết tại ITB Berlin, hội chợ thương mại du lịch lớn nhất thế giới đầu tháng 3.

Arlt cho biết, Trung Quốc cũng như những nơi khác, lệnh phong tỏa do đại dịch dẫn đến thay đổi về mối quan tâm của khách du lịch: từ những điểm đến nổi tiếng sang “du lịch hướng về thiên nhiên, với nhiều trải nghiệm ngoài trời hơn”.

Ông Arlt nhấn mạnh sự xuất hiện của các xu hướng như cắm trại và glamping (cắm trại sang chảnh), các chuyến đi bên gia đình. Quan trọng hơn, rất nhiều người Trung Quốc vẫn đang khám phá bản đồ du lịch tại chính đất nước của họ.

Arlt nói: “Trong ba năm đóng cửa, mọi người đều phải đi du lịch trong nước – kể cả những người giàu có – điều này thúc đẩy thị trường nội địa. Điều đó có thể đánh dấu thay đổi đáng kể đối với hoạt động du lịch quốc tế – thị trường khách Trung Quốc chiếm thị phần lớn.

“Trước đây, chỉ có những người có tiền, có chức mới đi nước ngoài. Quan niệm phổ biến là chỉ có có người nghèo mới phải du lịch trong nước. Nhưng giờ điều đó đã thay đổi”, Arlt nói thêm.

Dịch vụ du lịch nội địa đã cải thiện cả chất lượng lẫn mức độ đa dạng. Do đó, cuộc phải cạnh tranh hút khách Trung Quốc không chỉ diễn ra giữa các điểm đến quốc tế trên toàn cầu, mà cả với thị trường nội địa, theo Arlt – người đồng thời là giám đốc trung tâm du lịch Meaningful Tourism Centre – chuyên nghiên cứu về du lịch bền vững với trụ sở tại Hamburg.

Đoàn khách Trung Quốc đầu tiên vào Việt Nam qua cửa khẩu Hữu Nghị, Lạng Sơn ngày 15/3. Ảnh: Thúy Hà

Nối lại hoạt động du lịch

Khách du lịch Trung Quốc đã thực hiện gần 170 triệu chuyến đi ra nước ngoài vào năm 2019, theo Cục Thống kê Quốc gia Trung Quốc. Chỉ trong nửa đầu năm đó, chi tiêu du lịch nước ngoài của thị trường này vượt 127,5 tỉ USD, theo một nghiên cứu từ website đặt phòng du lịch Trung Quốc Ctrip.com.

Theo COTRI, năm nay, du lịch nước ngoài của người Trung Quốc được dự báo sẽ phục hồi khoảng 2/3 so với mức cao nhất của năm 2019, với khoảng 110 triệu lượt. Tuy nhiên, tập đoàn khách sạn Accor ước tính khoảng ba phần tư khách du lịch Trung Quốc sẽ ở lại trong nước.

“Chúng tôi dự đoán rằng 70% đến 80% du khách sẽ vẫn ở lại Trung Quốc”, Karelle Lamouche, giám đốc thương mại toàn cầu của Accor, cho hay.

Kể từ khi Trung Quốc mở cửa trở lại biên giới vào đầu tháng 1, người dân cũng không thể ra nước ngoài thoải mái do thiếu đường bay. Trong tuần từ ngày 6/2 đến ngày 12/2, các chuyến bay quốc tế của Trung Quốc chỉ phục hồi 9% so với cùng kỳ năm 2019, trong đó 63% chuyến bay do các hãng hàng không Trung Quốc khai thác, theo dữ liệu từ trang web đặt vé du lịch Fliggy thuộc sở hữu của Alibaba.

Trong khi đó, nhiều công dân Trung Quốc đang gặp khó khăn về thủ tục xin gia hạn hộ chiếu và visa, cũng như một số lệnh hạn chế trong thời gian ngắn từ các quốc gia như Nhật Bản và Hàn Quốc.

Ralf Ostendorf, giám đốc quản lý thị trường tại trang web du lịch visitBerlin, cho biết thủ tục về visa và hộ chiếu là điểm cản trở các đơn vị lữ hành sẵn sàng đón khách Trung Quốc.

Thái Lan nổi lên như một điểm đến hàng đầu với khách Trung Quốc khi cấp visa tại cửa khẩu cho những khách Trung Quốc đã tiêm vaccine đầy đủ và có bảo hiểm du lịch.

Simeon Shi, giám đốc chiến lược và trưởng bộ phận phát triển doanh nghiệp tại Fliggy, nhận định: “Thái Lan trở thành điểm đến hàng đầu của khách hàng Trung Quốc, đồng thời lưu ý rằng Thái Lan đã đón 180.000 khách du lịch Trung Quốc từ tháng 1 đến giữa tháng 2”.

Tháng trước, Phó Thủ tướng Thái Lan Anutin Charnvirakul dự đoán ​​nước này sẽ đón tới 15 triệu khách du lịch Trung Quốc trong năm 2023 – chiếm khoảng một nửa tổng lượng khách quốc tế đến.

Khách Trung Quốc chơi các trò giải trí trên biển tại vịnh Benoa, Bali, Indonesia ngày 13/2/2023. Khoảng 1.000 khách Trung Quốc đã đến Bali trong hơn nửa tháng kể từ 22/1 – khi hòn đảo nổi tiếng của Indonesia mở cửa đón khách Trung Quốc trở lại với đường bay charter Thâm Quyến – Bali. Ảnh: Xinhua

Xu hướng thay đổi

Trước đại dịch, phần lớn (55%) khách du lịch Trung Quốc đặt dịch vụ du lịch nước ngoài theo đoàn thông qua các công ty lữ hành, ngay cả khi xu hướng du lịch tự túc tăng lên. Shi cho biết xu hướng du lịch theo đoàn khó có thể biến mất sớm – dù dịch vụ có thay đổi một chút.

“Ngày nay, thậm chí hầu hết người Trung Quốc không có hộ chiếu”, Shi nói. Khi thị trường du lịch phát triển, vị giám đốc này hy vọng các chuyến du lịch theo nhóm vẫn sẽ là lựa chọn hàng đầu của khách Trung Quốc.

Tuy nhiên, nhiều công ty lữ hành đã đóng cửa hoặc cắt giảm trong đại dịch, tạo cơ hội cho những xu hướng mới. Ví dụ, khách Trung Quốc trẻ tuổi có thể thích ghé thăm một quán cà phê họ tìm thấy trên mạng xã hội hơn là các điểm tham quan nổi tiếng.

Arlt cho rằng các doanh nghiệp có thể thu hút nhóm khách du lịch Trung Quốc “mới” sau đại dịch bằng cách cung cấp những sản phẩm độc đáo, tour du lịch đặc biệt và cá nhân hóa trải nghiệm cho cả khách lần đầu ghé thăm một điểm đến hoặc khách quay lại nhiều lần.

“Hãy hiểu bạn cần sản phẩm gì, phù hợp với phân khúc nào của thị trường Trung Quốc và sau đó hãy cung cấp đúng cho phân khúc đó. Đừng sợ những thị trường ngách ở Trung Quốc, bởi thị trường ngách cũng có đến hàng triệu người”, Arlt bày tỏ.





Du thuyền 5 sao Hạ Long