Khai thác, nâng cao giá trị chùa Lôi Âm

  • Home
  • Khai thác, nâng cao giá trị chùa Lôi Âm
Khai thác, nâng cao giá trị chùa Lôi Âm

Khai thác, nâng cao giá trị chùa Lôi Âm


Tọa lạc trên núi Linh Thứ, phường Đại Yên (TP Hạ Long), chùa Lôi Âm được xây dựng với thế lưng tựa núi và nằm ở độ cao khoảng 400m so với mực nước biển. Với tuổi đời hơn 700 năm, chùa Lôi Âm cũng là một trong những ngôi chùa cổ nhất của tỉnh Quảng Ninh và Việt Nam. Mặc dù sở hữu nhiều giá trị về lịch sử, khoa học, nghệ thuật và cảnh quan, nhưng đến nay nhiều du khách trong và ngoài tỉnh vẫn chưa biết đến ngôi chùa này. Vì vậy, việc đẩy mạnh khai thác giá trị chùa Lôi Âm đang được TP Hạ Long tích cực triển khai và coi đây là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm nay.

Chùa Lôi Âm được xây theo kết cấu kiến trúc kiểu “nội công ngoại quốc”, một điển hình của kiến trúc thời Lê.

Cụm di tích và danh thắng chùa Lôi Âm mang đậm dấu ấn các thời đại với nhiều giá trị lịch sử, khoa học, nghệ thuật. Năm 1997, di tích này đã được Bộ Văn hóa – Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích cấp quốc gia. Chùa gồm tòa chính điện thờ Tam Bảo – cung Mẫu; khu vườn Tháp và am Thiền định. Gian thờ Tam bảo tọa lạc ở khoảnh đất bằng phẳng, bên trong thờ Phật với kết cấu vì kèo các cột đứng đều làm bằng gỗ. Bên phải tòa chính điện là khu vườn Tháp, đây là nơi lưu giữ được nhiều dấu ấn lịch sử với những cây cổ thụ cao lớn và các tháp tổ. Theo thống kê, hiện khu vườn Tháp có 20 tháp tổ, có những tháp được xây dựng niên đại cách đây hàng trăm năm, được xây bằng đá xanh và gạch đất nung. Cách tòa chính điện không xa là cung Mẫu với kiến trúc đơn giản nhưng vẫn toát lên vẻ trang nghiêm giữa núi rừng linh thiêng. Cách cung Mẫu 200m là am Thiền định hay còn gọi là chùa Hang hoặc lầu Cậu, là một phiến đá tự nhiên, trước đây là nơi tĩnh thiền của các nhà sư. Từ vị trí của am Thiền định, nhân dân và du khách có thể bao quát trọn vẹn một vùng non nước và chiêm ngưỡng vẻ đẹp của hồ Yên Lập từ trên cao.

Theo đánh giá của nhiều du khách, mặc dù ngôi chùa không quá rộng lớn, đồ sộ với kiến trúc kỳ vĩ như những ngôi chùa khác, nhưng chính hình ảnh một ngôi cổ tự nhỏ, ẩn mình giữa ngọn núi lớn vây quanh bởi mây ngàn, tách biệt khỏi những xô bồ, ồn ã chốn phố thị chính là điều hấp dẫn và tạo nên sự khác biệt. Đặc biệt, để có thể tận hưởng rõ nét nhất cái đẹp của ngôi cổ tự, du khách cần phải di chuyển từ bến đò Lôi Âm qua hồ Yên Lập bằng thuyền và phải chinh phục một đoạn đường đi bộ qua 5 ngọn đồi thoải và 2 ngọn đồi dốc với bạt ngàn thông xanh và những khóm dứa.

Sở hữu vẻ đẹp hoang sơ giữa chốn mênh mang hùng vĩ của sông núi, trung bình mỗi năm chùa thu hút 120.000-150.000 lượt khách. Tuy nhiên, lượng du khách này chủ yếu tập trung vào dịp đầu xuân và chỉ kéo dài đến hết tháng 3 âm lịch hằng năm. Và nếu so sánh lượng khách đến những di tích tâm linh khác trên địa bàn tỉnh (chùa Yên Tử, chùa Ba Vàng, đền Cửa Ông…) thì đây vẫn là một con số rất khiêm tốn.

Qua công tác rà soát, đánh giá của TP Hạ Long, di tích chùa Lôi Âm chưa phát huy được hết giá trị vốn có do cơ sở hạ tầng và công tác quản lý tại di tích còn nhiều bất cập. Cụ thể: Chưa thành lập được BQL di tích với sự tham gia của chính quyền địa phương, việc quản lý các dịch vụ do nhiều đơn vị thực hiện. Tại khu vực lối vào bến đò (từ giáp Quốc lộ 18 rẽ vào) và qua hồ Yên Lập do Công ty CP đầu tư Nguyên Tâm quản lý dịch vụ trông giữ phương tiện, xe điện và dịch vụ đò; khu vực đi bộ từ bến đò lên cổng chùa do UBND phường Đại Yên quản lý; trong khu vực chùa (từ cổng chùa trở vào) do Sư trụ trì Thích Bản Tường quản lý trực tiếp. Công tác vệ sinh môi trường tại lối dẫn vào chùa chưa đảm bảo, rác thải tập kết gây ô nhiễm và mỹ quan. Sản phẩm du lịch vẫn đơn thuần là tham quan, vãn cảnh chùa và chiêm bái chứ chưa có các sản phẩm bổ trợ.

Du khách di chuyển bằng thuyền từ bến đò Lôi Âm qua hồ Yên Lập để lên chùa.

Điều đáng nói là cơ sở hạ tầng thiếu tính đồng bộ. Mặc dù lượng khách tăng dần qua các năm và có những ngày cao điểm lên tới 5.000-7.000 khách nhưng con đường từ QL18 vào bến đò vẫn rất nhỏ hẹp, chưa được mở rộng. Lối lên chùa nhỏ, mặt đường không bằng phẳng, hai bên không có hệ thống thoát nước; thiếu hệ thống biển chỉ dẫn, bảng giới thiệu về di tích; các điểm bán hàng, dịch vụ tự phát; thiếu hệ thống nhà vệ sinh công cộng, điểm dừng chân trên tuyến đường lên chùa…

Để đánh thức tài nguyên du lịch đang ngủ quên tại cụm di tích, phát triển nơi đây trở thành điểm du lịch hấp dẫn của vùng phía Tây thành phố, hiện Ban Thường vụ Thành ủy Hạ Long đang chỉ đạo UBND thành phố xây dựng các giải pháp để nâng cao giá trị của chùa Lôi Âm. Trong đó, sẽ ưu tiên nguồn lực để triển khai các hạng mục sau: Mở rộng đường vào di tích; xây dựng bãi đỗ xe; cải tạo lại hệ thống bến thuyền; xây dựng nhà điều hành; thiết kế các điểm dừng chân, nhà vệ sinh công cộng, điểm chụp ảnh và ngắm cảnh; cải tạo khu vực rừng thông, các bãi đá để tổ chức khóa thiền gắn với du lịch tâm lịch; nghiên cứu, bổ sung phần hội vào lễ giỗ tổ hàng năm; tổ chức liên kết với các điểm du lịch trong thành phố và trong tỉnh; thống nhất thành lập BQL di tích chùa Lôi Âm với sự tham gia của chính quyền địa phương; quản lý chặt chẽ nguồn tiền công đức…

Đặc biệt, thành phố cũng đang nghiên cứu phương án vận chuyển du khách bằng phương tiện có nét đặc trưng riêng, thân thiện với môi trường, bảo vệ an ninh nguồn nước và sẽ kêu gọi các nhà đầu tư nghiên cứu, xây dựng hệ thống dịch vụ cáp treo (nếu phù hợp với quy hoạch); trung tâm ẩm thực có quy mô. Đồng thời, rà soát, nghiên cứu lại quy hoạch tổng thể để xin ý kiến các sở, ngành liên quan, sớm hiện thức hóa các phương án đã xây dựng.





Du thuyền 5 sao Hạ Long