Khai thác tiềm năng du lịch biên giới

  • Home
  • Khai thác tiềm năng du lịch biên giới
Khai thác tiềm năng du lịch biên giới

Khai thác tiềm năng du lịch biên giới


Với lợi thế là tỉnh có đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, những năm qua, Quảng Ninh luôn chú trọng phát triển toàn diện về kinh tế, văn hóa, thương mại, nhất là các hoạt động hợp tác phát triển du lịch. Đặc biệt, sau dịch Covid-19, để thu hút khách du lịch nhiều hơn, nhất là khách quốc tế, tỉnh đã xây dựng các kế hoạch phát triển du lịch, hình thành nên nhiều sản phẩm chuyên biệt, mang đặc trưng riêng của vùng biên.

Lãnh đạo TP Móng Cái tặng hoa chúc mừng đoàn khách đầu tiên của Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau thời gian tạm dừng do dịch Covid-19.

Kể từ ngày 15/3, Quảng Ninh bắt đầu đón những đoàn khách du lịch từ Trung Quốc nhập cảnh qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái sau thời gian dài gián đoạn vì dịch Covid-19. Đây là tín hiệu đáng mừng của ngành Du lịch tỉnh Quảng Ninh nói chung và của thành phố vùng biên Móng Cái nói riêng. Để tạo sự hấp dẫn thu hút du khách, TP Móng Cái đã chủ động chuẩn bị các nhóm sản phẩm, dịch vụ du lịch mới như: Du lịch biên giới gắn với sản phẩm du lịch golf, xe tự lái, ẩm thực Việt – Trung; Sản phẩm du lịch văn hoá, sinh thái, trải nghiệm cộng đồng gắn với du lịch bốn mùa (Lễ hội hoa sim biên giới, phiên chợ Pò Hèn…) và các điểm mua sắm hàng hiệu, khách sạn cao cấp… Thành phố cũng thường xuyên tổ chức các sự kiện, hoạt động du lịch, văn hóa, giải thể thao gắn với bảo đảm mục tiêu “Du khách an toàn, hành trình an toàn và điểm đến an toàn” góp phần lan tỏa thương hiệu Móng Cái – Thành phố du lịch xanh, thông minh, thân thiện và an toàn, con người Móng Cái văn minh, thân thiện, mến khách, cơ sở kinh doanh thân thiện, tiện lợi và tin cậy.

Đặc biệt, để đón khách dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 và mùa cao điểm du lịch hè, TP Móng Cái sẽ có chuỗi hoạt động như: Lễ hội Móng Cái – Dấu ấn nơi địa đầu Tổ quốc được tổ chức tại cửa khẩu Ka Long (Cửa khẩu quốc tế Móng Cái) tối 29/4; Giao lưu các Câu lạc bộ dân vũ mở rộng lần thứ II – năm 2023 ngày 28/4; Giao lưu Bóng đá nữ bãi biển và các trò chơi dân gian tại bãi biển Trà Cổ ngày 28/4; Liên hoan các Câu lạc bộ dân vũ phường Bình Ngọc lần thứ I – năm 2023 tại bến Mũi Ngọc (phường Bình Ngọc). Bên cạnh đó, nhiều sự kiện cũng được tổ chức như: Khánh thành điểm giới thiệu, cung cấp sản phẩm OCOP Móng Cái tại cụm cổ động biên giới Sa Vĩ; giao lưu trò chơi dân gian xã Bắc Sơn; tổ chức trò chơi dân gian xã Vĩnh Thực; giao lưu kéo co, nhảy bao bố bãi biển tại bãi biển Bến Hèn (xã Vĩnh Trung); hoạt động team building và trải nghiệm một ngày làm ngư dân tại bãi biển đá Đen (phường Bình Ngọc); giao lưu bóng đá nữ, trò chơi dân gian tại xã biên giới Hải Sơn…

Theo bà Phạm Thị Oanh, Trưởng Phòng Văn hóa – Thông tin TP Móng Cái: Để thu hút nhiều hơn nữa khách du lịch, đặc biệt là khách quốc tế, thành phố Móng Cái cam kết sẽ tạo điều kiện cho các doanh nghiệp kinh doanh phát triển bền vững; tạo điều kiện môi trường kinh doanh lành mạnh; thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch từ các cửa khẩu… Hiện nay, TP Móng Cái đã có văn bản chỉ đạo, rà soát các điều kiện, tiêu chí để đảm bảo chất lượng dịch vụ, du lịch tốt nhất phục vụ cho du khách.

Các cô gái Sán Chỉ mặc váy đá bóng tạo nên thương hiệu du lịch độc đáo của Bình Liêu. Ảnh Nguyễn Dung

Còn tại huyện Bình Liêu, hoạt động du lịch tại đây có sự khởi sắc rõ nét nhiều năm nay. Theo lãnh đạo huyện, địa phương chưa được phép đón khách du lịch qua cửa khẩu Hoành Mô nhưng Bình Liêu đã chủ động xây dựng nhiều sản phẩm đặc trưng cho khách nội địa như: Trekking “Sống lưng khủng long”, tham quan các cột mốc biên giới, tổ chức Lễ hội hoa sở, tham quan thác Khe Vằn… Các sản phẩm du lịch của Bình Liêu đang được nhiều khách trong nước quan tâm và đã mang đến diện mạo mới cho du lịch của địa phương. Tới đây, Bình Liêu sẽ đầu tư thêm hạ tầng và phát triển thêm một số sản phẩm du lịch đặc trưng của huyện biên giới để hấp dẫn du khách hơn. Cụ thể như chương trình “Phiên chợ đêm Bình Liêu”, nghiên cứu phát triển chợ phiên Đồng Văn, chợ phiên của cộng đồng dân tộc Dao Thanh Phán…  Đặc biệt dịp nghỉ lễ tới đây,  huyện sẽ tổ chức Ngày hội Văn hóa – Thể thao các dân tộc huyện Bình Liêu năm 2023 gồm các hoạt động, chương trình chính như: Không gian văn hóa – ẩm thực Bình Liêu; thi chế biến, trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống các dân tộc Bình Liêu; thi các môn thể thao, trò chơi dân gian đặc sắc; các chương trình văn hóa, văn nghệ đậm sắc màu văn hóa Tày, Dao, Sán Chỉ…

Theo Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, khách du lịch Trung Quốc đến Quảng Ninh chiếm 1/4 tổng số khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam, chiếm khoảng 40% lượng khách quốc tế đến Quảng Ninh. Riêng năm 2019 (thời điểm trước khi dịch Covid-19 bùng phát) khách Trung Quốc đến Quảng Ninh tăng vọt, đạt mức 75.000 lượt, trong đó khách du lịch Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái ngày càng tăng, trung bình mỗi năm, tại cửa khẩu Móng Cái đón được trên 300.000 lượt khách Trung Quốc. Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh Phạm Ngọc Thủy cho biết, những năm qua, tỉnh Quảng Ninh (Việt Nam) và tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) đã phát triển hợp tác giao lưu toàn diện về nhiều mặt, trong đó có du lịch. Đây là thị trường khách quốc tế lớn nhất của cả nước và của Quảng Ninh. Vì thế, việc đẩy mạnh phát triển du lịch vùng biên giới đang góp phần làm phong phú thêm sản phẩm du lịch của Quảng Ninh cho khách quốc tế và nội địa.

Đánh giá về sản phẩm du lịch vùng biên của Quảng Ninh, Giám đốc Công ty lữ hành ANZ Nguyễn Thế Nghị cho rằng, với lợi thế có đường cao tốc từ Hà Nội ra Móng Cái đã rút ngắn thời gian di chuyển, Quảng Ninh có thể xây dựng sản phẩm du lịch vùng biên kết nối từ Hà Nội – Bình Liêu – Móng Cái. Còn theo Giám đốc Công ty lữ hành Dynamic Travel Nguyễn Thị Thúy Lan, du lịch vùng biên giới của Quảng Ninh có thể tạo thành sản phẩm hấp dẫn không chỉ bởi các điểm đến thu hút mà ẩm thực địa phương có sự giao thoa văn hóa cũng là điểm nhấn thu hút du khách trong thời gian tới.





Du thuyền 5 sao Hạ Long