Làm sạch môi trường vịnh Hạ Long

  • Home
  • Làm sạch môi trường vịnh Hạ Long
Làm sạch môi trường vịnh Hạ Long

Làm sạch môi trường vịnh Hạ Long


Thời gian qua, công tác bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long luôn được tỉnh chỉ đạo, triển khai chặt chẽ. Bám sát Quy hoạch môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 các cấp, ngành, đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp thiết thực bảo vệ môi trường để phát huy giá trị di sản kỳ quan vịnh Hạ Long.

Ngày 6/3, tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, tàu biển cao cấp Mein Schiff 5 (quốc tịch Malta) đưa gần 2000 du khách châu Âu, chủ yếu quốc tịch Đức đến Hạ Long. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Thực hiện quản lý môi trường vịnh Hạ Long theo Quy hoạch bảo vệ môi trường vịnh Hạ Long đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030, Ban Quản lý vịnh Hạ long đã tăng cường các giải pháp, trong đó, chú trọng xây dựng hệ thống thu gom chất thải tại cảng, bến neo đậu tàu, thuyền, như: Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, các điểm tham quan du lịch trên vịnh Hạ Long. Theo đó, từ năm 2022 đến nay, các đơn vị đã thu gom tại các điểm và rác thải nổi trên vịnh được 188,67 tấn rác thải.

Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra những hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường… Đến nay, 100% tàu tham quan trên vịnh đều lắp đặt thiết bị phân ly dầu nước để lọc nước thải trước khi đưa ra môi trường, không đổ rác thải trực tiếp ra vịnh Hạ Long, sử dụng toàn bộ chai nước thủy tinh, ống hút giấy, cốc giấy… để giảm thiểu tác hại đến môi trường trong quá trình vận hành trên vịnh… Thông qua hoạt động của các trạm quan trắc, giám sát chất lượng nước trên vịnh Hạ Long cho thấy, chất lượng nước môi trường vịnh Hạ Long cơ bản đảm bảo, giá trị chỉ tiêu tại nhiều đợt quan trắc nằm trong giới hạn cho phép.

Song song với đó, tỉnh cũng đề xuất và được chấp thuận nguồn vốn viện trợ để triển khai Dự án “Nâng cao năng lực xử lý nước thải tại đảo Đầu Gỗ, vịnh Hạ Long, tỉnh Quảng Ninh” từ nguồn viện trợ không hoàn lại cấp cơ sở của Chính phủ Nhật Bản nhằm xử lý triệt để, an toàn nước thải sinh hoạt tại đảo Đầu Gỗ. Đây là một trong những điểm tham quan du lịch tập trung đông khách trên vịnh Hạ Long, đảm bảo nước thải đạt tiêu chuẩn trước khi thải ra môi trường. Cùng với đó, tỉnh cũng đề xuất Dự án “Nâng cao năng lực bảo vệ môi trường khu vực di sản thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long” từ nguồn vốn ODA không hoàn lại, nhằm bảo vệ môi trường, đảm bảo chất lượng nước, nâng cao năng lực quản lý môi trường, giáo dục bảo vệ môi trường tại vịnh Hạ Long.

Du khách chèo kayak tại khu vực hang Luồn trên vịnh Hạ Long. Ảnh: Phan Hằng

Chương trình “Vịnh Hạ Long không rác thải nhựa” cũng được triển khai hiệu quả. Các chủ tàu, cơ sở kinh doanh dịch vụ, du lịch, các cá nhân, tổ chức có hoạt động kinh tế xã hội trên vịnh và tại các cảng tàu, khách du lịch đã nghiêm túc trong công tác kiểm soát du khách việc không mang các sản phẩm từ nhựa dùng một lần khi tham quan vịnh Hạ Long.

Từ năm 2022 đến nay, các đơn vị chức năng của tỉnh đã triển khai gần 50 đợt kiểm tra, giám sát các hoạt động có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường vịnh Hạ Long; kiểm tra việc chấp hành các thủ tục pháp lý về môi trường và công tác bảo vệ môi trường theo quy định đối với một số dự án và khu du lịch ven bờ vịnh. Qua đó, đã kịp thời phát hiện, xử lý những yếu tố có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái vịnh Hạ Long, nhất là hoạt động: San lấp mặt bằng lấn biển, thu gom nước thải, rác thải khu vực ven bờ, trên các tàu du lịch và các phương tiện thuỷ; ngăn chặn phát tán dăm gỗ và nuôi trồng thuỷ sản không phép làm phát sinh phao xốp, rác thải gây ô nhiễm môi trường…

Cùng với TP Hạ Long, hiện các địa phương có ranh giới tiếp giáp với vịnh Hạ Long, như: Quảng Yên, Vân Đồn, Cẩm Phả cũng triển khai lộ trình đầu tư hệ thống xử lý nước thải sinh hoạt đô thị đạt tiêu chuẩn nhằm kiểm soát, tránh gây ô nhiễm môi trường cho Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Hiện nay, dự án thoát nước và xử lý nước thải TP Hạ Long đã được UBND tỉnh phê duyệt đầu tư.

Đối với hoạt động nuôi trồng, đánh bắt thuỷ sản, tỉnh cũng chỉ đạo thực hiên nghiêm các quy định không đánh bắt thuỷ sản trong khu vực Di sản; các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, giám sát việc chấp hành của các tổ chức, cá nhân; tăng cường rà soát, kiểm tra, có biện pháp xử lý các trường hợp nuôi trồng thuỷ sản trái phép. Ngoài ra, công tác rà soát, sửa đổi quy định các biện pháp quản lý phương tiện thuỷ nội địa phục vụ khách du lịch trên vịnh Hạ Long, vịnh Bái Tử Long cũng được triển khai nghiêm túc. Việc thực hiện đóng mới thay thế tàu du lịch đảm bảo tăng chất lượng, an toàn, bảo vệ môi trường và hiệu suất khai thác cũng được chú trọng. Từ năm 2021 đến nay, có 37 tàu được đóng mới thay thế đưa vào hoạt động, trong đó có 35 tàu tham quan, 1 tàu nhà hàng, 1 tàu lưu trú.

Các lực lượng chức năng của tỉnh cũng chủ động rà soát các điểm/khu vực tổ chức hoạt động vui chơi giải trí dưới nước nhằm kiểm tra, giám sát. Đồng thời, hướng dẫn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh hoàn thiện thủ tục pháp lý liên quan đến hoạt động đò chèo tay, kayak, xuồng cao tốc trên vịnh Hạ Long bảo đảm tuân thủ đúng quy định. Trong năm 2022, Ban Quản lý vịnh Hạ Long đã ký hợp đồng tàu du lịch neo đậu, cập cảng/bến đón trả khách tham quan và hợp đồng dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc, du thuyền khám phá trên vịnh Hạ Long với 399 tàu du lịch, 661 kayak, 98 đò chèo tay, 20 xuồng cao tốc phục vụ công tác quản lý.





Du thuyền 5 sao Hạ Long