Tăng “sức bật” cho ngành Du lịch

  • Home
  •  Tăng “sức bật” cho ngành Du lịch
 Tăng “sức bật” cho ngành Du lịch

 Tăng “sức bật” cho ngành Du lịch


Quý II/2023, ngành Du lịch dự kiến thu hút ít nhất 3,6 triệu lượt khách du lịch, tổng thu du lịch ước đạt 7.957 tỷ đồng. Hiện các đơn vị kinh doanh du lịch cũng như địa phương trong tỉnh đang đẩy mạnh kích cầu, làm mới các sản phẩm du lịch, đảm bảo môi trường và nâng chất lượng dịch vụ.

Khu di tích danh thắng Yên Tử là điểm đến yêu thích của du khách.
Khu Di tích danh thắng Yên Tử – điểm đến yêu thích của nhiều du khách.

Thông tin từ Sở Du lịch, tổng khách du lịch tháng 4/2023 ước đạt 1,1 triệu lượt khách, tăng 30% so với kế hoạch, lũy kế 4 tháng đạt khoảng 6,4 triệu lượt khách, tăng gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Sẵn sàng bước vào mùa du lịch hè, các đơn vị, doanh nghiệp đã chuẩn bị sẵn sàng điều kiện, chủ động xúc tiến để mở rộng thị trường khách. Hiện nhiều đơn vị tập trung khai thác tốt đường bay Quảng Ninh – Cần Thơ, đẩy mạnh phát triển thị trường du lịch phía Nam.

Theo ông Nguyễn Hà Hải, Giám đốc Hongai Tours Quảng Ninh, trước khi mở đường bay, đường bay Quảng Ninh – Cần Thơ, đơn vị đã tham gia chương trình xúc tiến du lịch do UBND tỉnh Quảng Ninh tổ chức tại TP Hồ Chí Minh, TP Cần Thơ và khu vực phía Nam. Chương trình đã giúp đơn vị dễ dàng tiếp cận các đơn vị kinh doanh dịch vụ du lịch, các đối tác để chủ động giới thiệu các sản phẩm du lịch của Quảng Ninh. Thời gian tới, chúng tôi dự kiến sẽ giới thiệu, đưa khách Trung Quốc đến Cần Thơ và đưa khách đi Phú Quốc, qua Cần Thơ và đến Quảng Ninh. Bên cạnh thiết kế tour tuyến hợp lý, chúng tôi cũng chủ động nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hướng đến các dòng sản phẩm du lịch đẳng cấp để đáp ứng nhu cầu đa dạng của các dòng khách.

Du khách tắm biển tại bãi tắm Sun world (TP Hạ Long).
Du khách tắm biển tại bãi tắm Sunworld (TP Hạ Long).

Ngành Du lịch cũng chủ động thúc đẩy phát triển các sản phẩm du lịch, dịch vụ đa dạng, độc đáo có sức cạnh tranh cao tại các địa phương: Hạ Long, Cẩm Phả, Vân Đồn, Cô Tô; các sản phẩm du lịch về đêm; du lịch vịnh Hạ Long, Bái Tử Long. Cùng với đó, phát triển các sân golf phục vụ thể thao và du lịch theo quy hoạch đảm bảo khai thác, sử dụng tiết kiệm, bền vững, hiệu quả cao nhất nguồn lực đất đai. Trong năm nay, tỉnh dự kiến đưa vào khai thác gần 40 sản phẩm du lịch mới, như: Phố đêm du thuyền, tham quan núi Bài Thơ, dịch vụ nghe nhạc trên vịnh Hạ Long; du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng tại đảo Đá Dựng (huyện Đầm Hà); trải nghiệm gắn với sông Ba Chẽ và các điểm di tích lịch sử văn hoá tâm linh, các nét văn hoá đặc sắc của đồng bào Dao Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); du lịch biển trải nghiệm tại thôn Bình Minh, xã Hải Lạng và sản phẩm du lịch cộng đồng tại thôn Đồng Đình, xã Phong Dụ (huyện Tiên Yên)… Mới đây là tuyến đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả với 6 làn xe, là sản phẩm du lịch chất lượng cao của tỉnh đã chính thức hoàn thiện đưa vào phục vụ nhân dân và du khách.

Các địa phương cũng nhanh chóng tận dụng mọi nguồn lực sẵn có để thu hút du khách trong dịp hè năm nay. Với thế mạnh về biển đảo, các địa phương ven biển tăng cường đưa nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách. Ông Nguyễn Hải Linh, Trưởng Phòng Văn hoá – Thể thao và Du lịch huyện Cô Tô, cho biết: Năm nay, Cô Tô đưa các sản phẩm lặn biển giải trí, ngắm san hô ở đảo Thanh Lân, cắm trại du lịch. Đồng thời, kích cầu với nhiều sự kiện, hoạt động thể thao – văn hóa hấp dẫn kéo dài từ nay tới cuối năm; đón đầu xu hướng du lịch 4.0; phát triển du lịch song song với bảo vệ môi trường. Huyện cũng có các giải pháp đảm bảo môi trường kinh doanh du lịch lành mạnh bằng việc thường xuyên kiểm tra, xử lý, quyết liệt với những sai phạm; làm chặt niêm yết giá, các hoạt động lữ hành tránh trường hợp các đơn vị tổ chức tour tự phát. 

Còn TP Móng Cái cũng chủ động khai thác lợi thế cao tốc Vân Đồn – Móng Cái để phát triển 5 nhóm sản phẩm du lịch đặc sắc: Xe du lịch tự lái qua biên giới; ẩm thực Việt – Trung; du lịch qua biên giới; du lịch thể thao golf kết hợp khách sạn cao cấp; mua sắm hàng hiệu chất lượng cao. Cùng với đó, từng bước xây dựng thương hiệu sản phẩm du lịch phù hợp với lợi thế từng đơn vị, địa phương; quản lý hoạt động vận tải hành khách khu vực cửa khẩu, cổng chợ, bến xe, cổng trường… đảm bảo phân rõ luồng đón trả khách theo thứ tự – trật tự, “văn minh, thân thiện, an toàn”. Thành phố cũng phối hợp với TP Đông Hưng, khu Phòng Thành (Trung Quốc) phát triển sản phẩm du lịch biên giới…

Theo ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch, ngành Du lịch tiếp tục thực hiện kế hoạch quảng bá, xúc tiến du lịch, đảm bảo hoàn thành mục tiêu thu hút khách năm 2023. Trong đó, tập trung vào thị trường nội địa và một số thị trường quốc tế trọng điểm; triển khai tổ chức các hội nghị, hội thảo về du lịch. Cùng với đó, rà soát, đánh giá tổng thể tất cả các quy hoạch, đề án, dự án du lịch, dịch vụ, tập trung thu hút đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ trên địa bàn. Sở cũng làm đầu mối, chủ động đẩy mạnh các hoạt động kết nối các địa phương đã có ký kết hợp tác du lịch để trao đổi nguồn khách; tổ chức các hoạt động, sự kiện để thu hút du lịch. Đồng thời, chú trọng liên kết giữa ngành du lịch với ngành, lĩnh vực khác, giữa Quảng Ninh với các địa phương trong và ngoài nước trong chuỗi giá trị sản phẩm du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch nghỉ dưỡng cao cấp đặc sắc; khuyến khích phát triển mạnh mẽ các sản phẩm du lịch cộng đồng tại các địa phương trong tỉnh, nhất là du lịch sinh thái khám phá, trải nghiệm gắn với cảnh quan thiên nhiên, bản sắc dân tộc ở các khu vực miền Đông và phát triển tối đa sản phẩm du lịch văn hóa – lịch sử – tâm linh. Sở sẽ làm việc với các hãng lữ hành, hàng không về việc xúc tiến gửi khách qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn…





Du thuyền 5 sao Hạ Long