Cô Tô và tài nguyên, vị thế nổi trội

  • Home
  • Cô Tô và tài nguyên, vị thế nổi trội
Cô Tô và tài nguyên, vị thế nổi trội

Cô Tô và tài nguyên, vị thế nổi trội


Sở hữu vị trí địa chiến lược và tiềm năng tài nguyên vị thế đa dạng, huyện đảo Cô Tô có nhiều lợi thế để phát triển du lịch nói riêng, kinh tế biển tổng hợp đa ngành nói chung gắn với bảo tồn sinh thái, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, chủ quyền theo Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Vùng biển Cô Tô được đánh giá là nơi mang giá trị cao về sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các bãi tắm hoang sơ, nước biển trong, hệ sinh thái rừng nhiệt đới với 3 tầng cây cỏ và tầng dây leo, là hệ sinh thái rừng khá hiếm ở Việt Nam, thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm. Các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, thích hợp với loại hình câu cá, lặn biển du lịch. Với đặc tính đa dạng sinh học cao, vùng đảo Cô Tô, đảo Trần là một trong 16 khu bảo tồn biển của Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010. UBND tỉnh cũng đã thông qua Dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần để bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loại sinh vật biển quý hiếm có tổng diện tích trên 18.400ha.

Cầu cảng Cô Tô- đầu mối giao thông nối huyện đảo với đất liền.
Cầu cảng Cô Tô – đầu mối giao thông nối huyện đảo với đất liền. Ảnh: Nguyễn Linh (CTV)

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao”. Với định hướng phát triển nhất quán, du lịch Cô Tô đang có những bước phát triển khả quan. Lượng khách du lịch tới Cô Tô có xu hướng gia tăng về số lượng và chất lượng.

Tuy vậy, có ý kiến cho rằng, du lịch Cô Tô, bên cạnh những lợi thế về điều kiện tự nhiên, cảnh quan thì nếu nhìn một cách toàn cảnh vẫn không khó nhận ra những cái thiếu cần có để Cô Tô thực sự là một “Phú Quốc” của Quảng Ninh. Đầu tiên, thấy rõ là hoạt động du lịch ở Cô Tô còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ và phân tán, chưa có các sản phẩm du lịch chủ lực, chưa có sự đầu tư đồng bộ với quy mô lớn vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Kết nối giao thông với đảo chủ yếu bằng đường thủy, thời gian đi lại kéo dài và thường bị tác động bởi gió, bão. Thêm nữa là thiếu những sản phẩm văn hoá – ở đây là những lễ hội, những giá trị văn hoá truyền thống để tăng các sản phẩm du lịch văn hoá. Một lễ hội Mở cửa biển mới được dựng, một di tích Đồn Cao là chưa đủ sức hấp dẫn. Thực tiễn cho thấy có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt. Do vậy, Cô Tô cần phải có định hướng quy hoạch các phân khu, trong đó có các vùng bảo tồn sinh thái, vùng phát triển kinh tế; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng kinh tế xã hội.

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, dưới định hướng phát triển năng động, toàn diện của tỉnh, Cô Tô đang nỗ lực, phấn đấu, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là phát triển bền vững kinh tế – xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng an ninh, chủ quyền, biên giới, biển đảo. Hy vọng rằng, trong tương lai không xa, du lịch Cô Tô nói riêng, những tiềm năng kinh tế biển tổng hợp của Cô Tô nói chung sẽ được phát huy tối đa để Cô Tô thực sự trở thành đảo ngọc, điểm đến hấp dẫn không chỉ với du khách trong nước mà cả quốc tế khi tới Việt Nam.

Đại Dương





Du thuyền 5 sao Hạ Long