“Dành cho du lịch cộng đồng một không gian riêng, sự quan tâm riêng”

  • Home
  • “Dành cho du lịch cộng đồng một không gian riêng, sự quan tâm riêng”
“Dành cho du lịch cộng đồng một không gian riêng, sự quan tâm riêng”

“Dành cho du lịch cộng đồng một không gian riêng, sự quan tâm riêng”


Quảng Ninh có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch cộng đồng. Cũng đã có những dự án du lịch cộng đồng tiên phong được triển khai tại một số địa phương của tỉnh, tuy nhiên đến nay du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh vẫn chưa phát triển tương xứng với tiềm năng sẵn có.

Phóng viên Trung tâm Truyền thông Quảng Ninh đã phỏng vấn ông Phạm Hải Quỳnh, Viện trưởng Viện Phát triển du lịch Châu Á, Chủ tịch Hội Du lịch cộng đồng Việt Nam về nguyên nhân và giải pháp cần tập trung triển khai để du lịch cộng đồng của Quảng Ninh bứt phá.

– Xin ông cho biết, sau dịch Covid-19, du lịch cộng đồng đang có xu hướng phát triển và thay đổi như thế nào?

+ Từ khi Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành Nghị quyết số 08-NQ/TW ngày 16/1/2017 về phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, Việt Nam đã có những động thái trong phát triển du lịch, đặc biệt là du lịch cộng đồng. 2 năm diễn ra dịch bệnh dù có những khó khăn nhưng cũng có những cơ hội được tạo ra để du lịch cộng đồng tái cấu trúc. Sau dịch, du khách thích đi du lịch theo nhóm nhỏ, theo gia đình đến các vùng miền để trải nghiệm và là thưởng lãm những giá trị văn hóa đặc sắc. Xu hướng này đã cung cấp cho du lịch cộng đồng cơ hội phát triển mới. Nhiều mô hình du lịch cộng đồng được triển khai thành công và tạo thành sản phẩm mới cho bức tranh tổng quan của du lịch Việt Nam.  

– Như vậy, là sau Covid-19, du lịch cộng đồng có cơ hội phát triển mạnh mẽ hơn. Vậy vai trò của người dân trong việc phát triển du lịch cộng đồng thì sao?

+ Muốn đưa du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn thì phải tính tới câu chuyện người người làm du lịch, nhà nhà làm du lịch. Du lịch cộng đồng chỉ có thể phát triển bền vững khi chúng ta phát huy được vai trò của người dân.

Phát triển du lịch cộng đồng không thể một sớm một chiều mà là một câu chuyện dần dần. Người dân sẽ bắt đầu chuyển một phần hoặc hoàn toàn từ nghề truyền thống, sinh kế hiện tại sang phát triển du lịch cộng đồng. Dùng những ngày công rảnh rỗi, sự kết nối của cộng đồng để phát triển du lịch. Mô hình đó cũng giúp cộng đồng có được nguồn thu, tạo động lực để phát triển thêm nhiều sản phẩm mới.

Việc phát triển du lịch cộng đồng không thể phụ thuộc vào hô hào hay phát triển những mô hình không đủ các tiêu chí, tiêu chuẩn. Trước đây chúng ta hay đề cập tới vấn đề, chưa có tiêu chí nào cho du lịch cộng đồng thì năm 2020, Tổng cục Du lịch Việt Nam đã ban hành Bộ tiêu chí dành cho du lịch cộng đồng. Các mô hình du lịch cộng đồng trên các nước muốn phát triển tốt cần phải có những quy chế, quy chuẩn và đặc biệt là sự song hành của chính quyền địa phương trong việc cùng phát triển du lịch cộng đồng.

– Theo ông, làm thế nào để du lịch cộng đồng phát triển bền vững?

+ Phát triển du lịch cộng đồng cần bà con song hành, cần chính quyền địa phương cầm tay chỉ việc cùng với chuyên gia tư vấn và hơn hết là cần tạo sự đoàn kết giữa các bên. Nếu không tạo được sự đoàn kết trong phát triển du lịch cộng đồng thì nguy cơ cao là mô hình du lịch cộng đồng phá vỡ cộng đồng. Và sau này nếu muốn làm lại sẽ rất khó.

Phát triển du lịch cộng đồng nói dễ nhưng không hề dễ. Câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng đòi hỏi chúng ta phải chung tay trên mọi phương diện từ bà con thôn, bản đến chính quyền của xã, của huyện. Đặc biệt là vấn đề định hướng chỉ đạo của tỉnh cho việc triển khai, set-up một mô hình nào đó để tránh phá vỡ giá trị văn hóa bản địa.

Hiện nay tại Việt Nam nhiều mô hình du lịch cộng đồng đang “sao chép” lẫn nhau. Khi được cho đi học hỏi, họ chỉ nhìn bằng mắt và nghe bằng tai. Họ bê nguyên những căn nhà Thái về những vùng của người Kinh, bê nguyên những giá trị văn hóa không phải của họ về vùng miền của họ. Điều này tự nhiên sẽ tạo ra câu chuyện bị lai tạp về văn hóa và phá vỡ giá trị văn hóa bản địa trong khi bản thân địa phương lại có những giá trị rất hấp dẫn nhưng họ lại không khai thác. Hậu quả là những sản phẩm xây dựng ra bị “hao hao” giống nhau, tạo cho du khách cảm giác đến đây rồi thì đến kia cũng không có gì khác. Điều đó đánh mất giá trị thực tế của du lịch cộng đồng.

Để phát triển du lịch cộng đồng bền vững, trước tiên chúng ta cần sự khảo sát chuyên sâu của các chuyên gia, của các nhà khoa học, từ đó mới đánh giá điểm đến và xác định nên phát triển du lịch cộng đồng ở khu vực nào trước. Trong các lợi thế phát triển du lịch cộng đồng thì địa phương đó có điều gì đặc sắc, khác biệt. Khai thác những giá trị đó chúng ta mới có sản phẩm du lịch khác biệt. Nếu không có sự khác biệt thì sẽ không có sức hút và không thể tiếp cận được du khách.

Du khách trải nghiệm văn hóa người Tày tại xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu.

– Ông đánh giá thế nào về việc phát triển du lịch cộng đồng tại Quảng Ninh?

+ Quảng Ninh là một trong những địa phương hàng đầu của Việt Nam về phát triển du lịch. Quảng Ninh có những tiềm năng nổi trội như di sản thiên nhiên thế giới, biển đảo, các khu du lịch tâm linh.  

Du lịch cộng đồng đã được Quảng Ninh chú trọng trong thời gian gần đây. Ví dụ như mô hình tại Quan Lạn (Vân Đồn) mà chúng tôi đã đồng hành phát triển từ năm 2009, 2010 với sự hỗ trợ của Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JICA). Làng quê Yên Đức (Đông Triều) được triển khai đã đón được rất nhiều khách. Khu vực Hoành Bồ trước đây (nay thuộc TP Hạ Long) gần đây cũng manh nha phát triển các mô hình du lịch cộng đồng. Bình Liêu cũng là địa phương nhận được sự quan tâm và đầu tư rất nhiều.

Nhưng trên đây, chúng ta mới nhìn du lịch cộng đồng ở phương diện tổng quan để chào hỏi, chào đón chứ chưa tập trung thực sự vào một điểm đến nào. Muốn phát triển du lịch cộng đồng chúng ta không nên tập trung vào số lượng mà cần tập trung có trọng điểm. Điểm nào được quan tâm thì phải triển khai và quyết tâm triển khai phải thành công.

“Một ngày làm ngư dân” là sản phẩm du lịch cộng đồng đặc trưng tại Quan Lạn.

Quay lại câu chuyện của Quan Lạn, thời điểm này Quan Lạn đã có sản phẩm du lịch cộng đồng nhưng sau khi JICA đi thì số lượng du khách trải nghiệm sản phẩm vẫn còn rất khiêm tốn. Còn Bình Liêu thì rất đông khách muốn đến trải nghiệm du lịch cộng đồng nhưng vấn đề là dịch vụ còn nhỏ lẻ. Gần đây, Kỳ Thượng cũng đưa những ngôi nhà người Dao vào khai thác nhưng nó thực sự chưa phải là điểm nhấn.

Vì vậy, với Quảng Ninh tôi cho rằng, chúng ta cần nhìn nhận lại câu chuyện phát triển du lịch cộng đồng cũng như phát triển sản phẩm cụ thể, dành cho du lịch cộng đồng một không gian riêng, sự quan tâm riêng với sự đồng hành của chính quyền địa phương, kết nối lữ hành, nhằm tạo những sản phẩm thực sự hấp dẫn. Làm sao khi du khách đến Quảng Ninh họ có thể cảm nhận được Quảng Ninh không chỉ có biển mà còn có những sản phẩm về văn hóa đặc trưng.

Nếu có thể phát triển tốt du lịch cộng đồng, bức tranh du lịch Quảng Ninh sẽ trở nên hoàn thiện và du lịch Quảng Ninh sẽ còn vươn xa hơn nữa. 

– Cảm ơn ông đã trả lời phỏng vấn!





Du thuyền 5 sao Hạ Long