Đảo Thanh Lân: Vẻ đẹp tiềm ẩn
Giữa biển trời Đông Bắc, đảo Thanh Lân, thuộc quần đảo Cô Tô, đang dần thức giấc, vươn mình từ bến tạm nhỏ bé thành điểm sáng mới của du lịch biển đảo với vẻ đẹp hoang sơ và tiềm năng phát triển mạnh mẽ.
Đảo Thanh Lân rộng 27km² là đảo lớn nhất trong quần đảo Cô Tô, giữ vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng ở Vịnh Bắc Bộ.
Theo ghi chép sử liệu, xưa kia Thanh Lân chỉ là nơi tránh trú tạm thời của ngư dân vùng Đông Bắc. Đảo hoang vu, rừng rậm hiểm trở và thường xuyên bị cướp biển quấy phá nên không có cư dân sinh sống ổn định. Đầu thời Nguyễn, sau khi một số người bắt được cướp biển và xin ở lại, Tổng đốc Hải An Nguyễn Công Trứ đã tấu trình triều đình cho lập làng Hướng Hóa – đánh dấu sự khởi đầu của cộng đồng dân cư trên đảo.

Thời Pháp thuộc, Thanh Lân thuộc tổng Cô Tô (châu Hà Cối, phủ Hải Đông, tỉnh Hải Ninh). Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, dù nhiều vùng ở Quảng Ninh đã giành chính quyền, Thanh Lân vẫn bị chiếm đóng bởi quân Pháp, cướp biển và lực lượng “Xứ Nùng tự trị” do Voòng A Sáng cầm đầu. Mãi đến năm 1954, đảo mới được giải phóng, trở thành đơn vị hành chính thuộc huyện Móng Cái, sau đó thuộc tỉnh Hải Ninh rồi huyện Cẩm Phả.
Ngày 23/3/1994, theo Nghị định 28-CP của Chính phủ, Thanh Lân cùng xã Cô Tô được tách ra để thành lập huyện đảo Cô Tô. Năm 1999, sau điều chỉnh địa giới, Thanh Lân trở thành một trong ba đơn vị hành chính cấp xã của huyện Cô Tô.
Ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Chủ tịch UBND xã Thanh Lân, chia sẻ: Phát huy truyền thống đảo tiền tiêu, những năm gần đây, Thanh Lân đã có bước chuyển mình rõ nét, phát triển kinh tế biển và du lịch dịch vụ.
Thanh Lân nổi bật với hệ sinh thái rừng và biển phong phú, hơn 70% diện tích được rừng tự nhiên che phủ. Các bãi biển như Ba Châu, Hải Quân, C67… vẫn giữ nguyên vẻ đẹp hoang sơ, cát trắng mịn và nước biển trong xanh, thu hút du khách tìm về sự yên bình và trải nghiệm thiên nhiên thuần khiết.
Khác với những điểm du lịch đã đông đúc, Thanh Lân như một thế giới riêng biệt – nơi con người sống chan hòa với thiên nhiên, không ồn ào nhưng đầy cuốn hút. Các bãi biển chưa bị bê tông hóa, sóng vỗ dịu dàng, cảnh sắc tự nhiên còn vẹn nguyên như thuở khai phá.
Nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của du khách, địa phương phát triển đa dạng loại hình du lịch trải nghiệm như đi bộ xuyên rừng, cắm trại ven biển, câu mực đêm hay lặn biển ngắm san hô. Đặc biệt, từ tháng 4/2023, UBND tỉnh Quảng Ninh cho phép tổ chức lặn biển có hướng dẫn viên tại các khu vực Vụng Tròn, Hòn Chim và Hòn Ông Tích – mở ra cơ hội khám phá thế giới sinh vật biển phong phú, sắc màu rực rỡ.
Nắm bắt tiềm năng này, nhiều công ty du lịch đã đưa Thanh Lân vào lịch trình tour 2-3 ngày, kết hợp nghỉ dưỡng, khám phá thiên nhiên và trải nghiệm ẩm thực biển. Các tour chuyên biệt giúp tăng thời gian lưu trú và mang lại lợi ích thiết thực cho cộng đồng địa phương, từ dịch vụ homestay, ẩm thực đến vai trò hướng dẫn viên bản địa.

Không chỉ hấp dẫn bởi cảnh quan, Thanh Lân còn đậm đà bản sắc văn hóa. Lễ hội Mở cửa biển – tổ chức thường niên từ 2024 – vừa là nghi lễ tín ngưỡng của ngư dân, vừa là cơ hội quảng bá văn hóa biển đảo đến du khách gần xa.
Huyện Cô Tô đang triển khai đề án phát triển du lịch bền vững, trong đó Thanh Lân được xác định là điểm nhấn quan trọng. Các tuyến kết nối đảo này với hòn Cá Chép, hòn Sư Tử, Cô Tô Con… đang được quy hoạch nhằm hình thành chuỗi điểm đến liên hoàn, vừa tránh dồn tải, vừa tạo thêm sản phẩm du lịch mới.
Thanh Lân không thức giấc bằng sự xô bồ của du lịch đại trà, mà bằng cách giữ lại vẻ nguyên sơ trời phú, đưa con người về gần với thiên nhiên. Cảnh đẹp và du lịch có trách nhiệm chính là động lực để bảo tồn và phát huy vẻ bình yên của hòn đảo.
Hà Phong