“Dự kiến tháng 4/2023 công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long”

  • Home
  • “Dự kiến tháng 4/2023 công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long”
“Dự kiến tháng 4/2023 công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long”

“Dự kiến tháng 4/2023 công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long”


Nhằm đa dạng và tạo thêm sản phẩm du lịch đặc trưng, đáp ứng nhu cầu phát triển du lịch bền vững trong tương lai, BQL Vịnh Hạ Long đã xây dựng hồ sơ, đề nghị UBND tỉnh thẩm định, phê duyệt công bố các vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long. Phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Hậu, Phó trưởng BQL Vịnh Hạ Long về nội dung này.

– Đò chèo tay, thuyền kayak đang là loại hình dịch vụ có sức hấp dẫn lớn với du khách. Sự phát triển của loại hình này ở trên Vịnh Hạ Long như thế nào, thưa ông?

+ Trên Vịnh Hạ Long hiện có 12 khu vực được UBND tỉnh cho phép tổ chức hoạt động dịch vụ đò chèo tay, thuyền kayak gồm Ba Hang, hang Luồn, hồ Động Tiên – hang Trinh Nữ,  vụng Tùng Sâu, Cửa Vạn, Vung Viêng, hang Cỏ, Cống Đỏ, Trà Sản, hòn Bọ Hung, hang Thầy, hồ Ba Hầm, Cống Đầm – Vạn Giò với tổng diện tích mặt nước trên 663ha.

Hiện có 9 tổ chức, cá nhân đang hoạt động dịch vụ đò chèo tay, thuyền kayak tại 8 khu vực trên Vịnh Hạ Long; trong đó 4 đơn vị kinh doanh dịch vụ kayak, 5 đơn vị vừa kinh doanh kayak vừa đò chèo tay, tổng số 125 đò, 522 kayak.

Đây là loại hình dịch vụ đặc thù trên Vịnh Hạ Long từ nhiều năm, có những doanh nghiệp hoạt động loại hình này trên 10 năm. Các khu vực được phép hoạt động dịch vụ kayak, đò chèo tay, xuồng cao tốc đều có các điều kiện thuận lợi về vị trí địa lý, cảnh quan tự nhiên đẹp, công tác vệ sinh môi trường, ATGT, ANTT được đảm bảo, là điểm tham quan hấp dẫn khách du lịch, góp phần làm phong phú thêm các sản phẩm dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu trải nghiệm Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long của du khách.

Thời gian qua, BQL Vịnh Hạ Long đã chủ động phối hợp với các sở, ngành liên quan triển khai các biện pháp quản lý. Các tổ chức, cá nhân đã thực hiện tốt các quy định của UBND tỉnh, UBND TP Hạ Long và BQL Vịnh Hạ Long, thường xuyên có ý thức nâng cao chất lượng dịch vụ. Các doanh nghiệp đã tổ chức đón tiếp, phục vụ chu đáo hàng trăm nghìn lượt khách trải nghiệm dịch vụ mỗi năm, góp phần giải quyết việc làm cho hàng trăm lao động.

Du khách chèo thuyền kayak tham quan khu vực hồ Ba Hầm (vịnh Hạ Long). Ảnh: Đại Dương

Ông cho biết, mục đích của việc công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước?

+ Chính phủ đã ban hành Nghị định số 48/2019/NĐ-CP “Quy định về quản lý hoạt động của phương tiện phục vụ vui chơi, giải trí dưới nước”. Theo đó, vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố; phương tiện phục vụ vui chơi giải trí phải thực hiện đăng ký, đăng kiểm theo quy định.

Tuy nhiên, các vùng hoạt động vui chơi giải trí dưới nước đang hoạt động trên Vịnh Hạ Long đều chưa được công bố theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP. Thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh, BQL Vịnh Hạ Long đã xây dựng “Phương án đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường các vùng vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long”, nhằm triển khai các biện pháp đảm bảo an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường cho hoạt động vui chơi giải trí dưới nước trên Vịnh, đồng thời cũng là một trong những thủ tục pháp lý đề nghị UBND tỉnh xem xét, công nhận vùng nước theo quy định tại Nghị định số 48/2019/NĐ-CP.

Ông cho biết, việc công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước hiện được triển khai như thế nào?

+ Trong tháng 3/2023, BQL Vịnh Hạ Long đã gửi phương án, đơn đề nghị tới Sở GT-VT thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt 8 vùng hoạt động vui chơi giải trí đã có các tổ chức, cá nhân đầu tư cơ sở vật chất tổ chức hoạt động dịch vụ (Ba Hang, hang Luồn, hồ Động Tiên – hang Trinh Nữ, vụng Tùng Sâu, Cửa Vạn, Vung Viêng, Cống Đỏ, hang Cỏ) và 5 vùng chưa có hoạt động dịch vụ (hòn Bọ Hung, hồ Ba Hầm, hang Thầy, Cống Đầm – Vạn Giò, Lờm Bò).

Tại những khu vực nói trên, chúng tôi cũng đã xây dựng phương án đảm bảo an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn, ngăn ngừa ô nhiễm môi trường đối với các vùng dịch vụ vui chơi giải trí dưới nước. Việc triển khai phương án có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan, đơn vị và tổ chức, cá nhân khai thác dịch vụ.

Sở GT-VT đã nhất trí cao với nội dung đề xuất của BQL Vịnh Hạ Long và đang xem xét, thẩm định để báo cáo UBND tỉnh thông qua. Dự kiến trong tháng 4/2023, UBND tỉnh sẽ xem xét, công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long.

BQL Vịnh Hạ Long tiếp tục hoàn thiện hồ sơ, thủ tục để đề nghị các cơ quan chức năng thẩm định, công bố luồng, tuyến đường thủy nội địa chuyên dùng cho loại phương tiện thủy nội địa đăng ký trên 5 người (xuồng cao tốc, đò chèo tay) để đảm bảo các hoạt động dịch vụ này hoạt động đúng quy định, đảm bảo an toàn, ANTT và bảo vệ môi trường.

Việc tổ chức công bố vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước trên Vịnh Hạ Long là cơ sở để các đơn vị có liên quan đầu tư và tổ chức quản lý các sản phẩm du lịch một cách hiệu quả, bền vững, an toàn, xứng tầm với vị thế đặc biệt nổi trội của Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; góp phần điều tiết, phân luồng đối tượng du khách, giảm tải mật độ khách du lịch tại một số tuyến, điểm tham quan trên Vịnh. Đồng thời, tạo sinh kế, thu nhập cho cộng đồng cư dân làng chài từ Di sản, tăng thu từ hoạt động dịch vụ du lịch trên Vịnh cho ngân sách nhà nước.

– Xin cảm ơn ông!





Du thuyền 5 sao Hạ Long