Phạm Văn Đức và khát vọng đánh thức tiềm năng du lịch biển

  • Home
  • Phạm Văn Đức và khát vọng đánh thức tiềm năng du lịch biển
Phạm Văn Đức và khát vọng đánh thức tiềm năng du lịch biển

Phạm Văn Đức và khát vọng đánh thức tiềm năng du lịch biển


Du lịch hè này, Cô Tô gây sốt với loạt tour khám phá đại dương như: Lặn ngắm san hô, đi bộ dưới biển, freediving, hóa thân nàng tiên cá… Đứng sau dự án táo bạo ấy là anh Phạm Văn Đức (SN 1992), Giám đốc Cô Tô Adventures, với khát vọng đánh thức tiềm năng du lịch biển quê hương.

Sau nhiều năm học tập và rong ruổi khắp Việt Nam, Đức nhận ra: “Cô Tô rất đẹp, nhưng chưa phát huy được tiềm năng. Nếu không ai làm, bảo tồn, thế hệ sau có thể sẽ chẳng còn gì để gìn giữ”. Ý tưởng làm du lịch biển chuyên nghiệp nhen nhóm trong một chuyến đi Nha Trang năm 2022. Khi lặn ngắm san hô, anh thấy rõ vẻ đẹp mong manh của hệ sinh thái biển và tin rằng, Cô Tô hoàn toàn có thể làm được, thậm chí còn đặc sắc hơn.

faf
 Sản phẩm lặn biển của Cô Tô Adventure được du khách hào hứng, khám phá. 

Năm 2023, anh Đức bắt tay triển khai sản phẩm lặn biển ở Vụng Tròn (Thanh Lân) – vùng biển nằm ngoài khu bảo tồn. Tuy nhiên, do thiếu kinh nghiệm và kỹ thuật, gần 300 triệu đồng đầu tư cấy san hô ban đầu đều không mang lại kết quả. Không bỏ cuộc, từ thất bại, anh Đức tìm đến các chuyên gia, trong đó có anh Đặng Đức Hồng Việt (Viện Hải dương học), người đã hỗ trợ về kỹ thuật, dòng chảy và lựa chọn giống san hô phù hợp.

Năm 2024, anh Đức chuyển vùng cấy ghép ra hòn Chim và hòn Ông Tích – những nơi có dòng thủy triều ổn định và nhiều dưỡng chất. Kết quả khả quan: Có khoảng 500m² san hô phát triển khỏe mạnh, với tỷ lệ sống đạt 90%. Mục tiêu đến năm 2026 là mở rộng lên 2.000m², hình thành “vườn san hô cộng đồng” – nơi du khách có thể trực tiếp cấy san hô gắn tên mình và trở lại chứng kiến thành quả.

Để có được thành quả ấy, anh Đức đã đánh đổi bằng mồ hôi, nước mắt và áp lực tài chính. Anh đầu tư 2-3 tỷ đồng để chuyển thiết bị và nhân lực từ Nha Trang, Phú Quốc ra Bắc, phần lớn là vốn vay ngân hàng. Dù chi phí duy trì lên tới 200 triệu đồng/tháng trong khi du lịch Cô Tô mang tính mùa vụ, anh vẫn kiên trì: “Thấy vất vả, gia đình can ngăn, nhiều người bảo tôi gàn. Bao đêm trăn trở mới ra được mô hình. Càng khó, càng phải chứng minh là làm được”.

Từ năm 2023 đến nay, Công ty của anh đã phát triển 4 sản phẩm du lịch biển gồm Snorkelling (lặn với ống thở), Full Diver (dành cho người có bằng lặn), Sea Diver (dành cho người chưa có bằng), Sea Walker (đi bộ dưới đáy biển). Hè 2025, sản phẩm mới Free Diving (lặn tự do) ra mắt, cho phép du khách hòa mình trọn vẹn vào lòng biển Cô Tô. Trong những ngày cao điểm, công ty đón và phục vụ tới 40 khách mỗi tour.

Song song với dịch vụ lặn biển, anh Đức còn giới thiệu nhiều tour trải nghiệm khám phá cảnh sắc Cô Tô. Không chỉ đơn thuần là sản phẩm du lịch, mỗi tour còn là hành trình truyền cảm hứng bảo tồn đại dương. Du khách được hướng dẫn thu gom rác thải, cấy ghép san hô, tìm hiểu về hệ sinh thái biển.

 Anh Phạm Văn Đức hướng dẫn du khách trước khi bước vào tour lặn biển ở Thanh Lân. 

“Ngoài vẻ đẹp đại dương, chúng tôi cho du khách tự tay cấy san hô gắn với tên của họ, để sau này quay lại có thể chứng kiến những nhánh san hô mang chính tên mình. Tôi mong muốn Cô Tô trở thành nơi du khách không chỉ nghỉ dưỡng mà còn để lại dấu ấn tốt đẹp cho tự nhiên” – anh Đức chia sẻ.

Anh Nguyễn Hải Linh, Trưởng phòng Văn hoá, Du lịch và Khoa học công nghệ huyện Cô Tô nhận xét: “Phạm Minh Đức là một trong số ít người trẻ dám nghĩ, dám làm, dám đầu tư bài bản. Sản phẩm của anh không chỉ mở ra hướng đi mới cho du lịch trải nghiệm Cô Tô mà còn là mô hình du lịch xanh, gắn kết giáo dục môi trường và bảo tồn thiên nhiên”.

Ở tuổi ngoài 30, Phạm Văn Đức đang viết nên câu chuyện truyền cảm hứng về phát huy giá trị cảnh đẹp quê hương. Anh mong muốn huyện đảo có thêm chính sách hỗ trợ, nhân rộng mô hình và cải thiện môi trường biển để tạo ra nhiều sản phẩm du lịch hấp dẫn hơn trong tương lai.

Hà Phong





Du thuyền 5 sao Hạ Long