Phát triển du lịch miền Di sản Yên Tử

  • Home
  • Phát triển du lịch miền Di sản Yên Tử
Phát triển du lịch miền Di sản Yên Tử

Phát triển du lịch miền Di sản Yên Tử


Việc quần thể Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc được UNESCO công nhận là Di sản văn hóa thế giới không chỉ là cột mốc lịch sử khẳng định những giá trị cao quý của Yên Tử mà còn mở ra cơ hội phát triển vươn tầm quốc tế. Đặc biệt, danh hiệu di sản thế giới được kỳ vọng sẽ tạo ra cú huých lớn để du lịch của Yên Tử nói riêng và du lịch Quảng Ninh nói chung bứt phá.

Du khách thưởng thức âm nhạc truyền thống dưới chân Yên Tử.
Du khách thưởng thức âm nhạc truyền thống dưới chân Yên Tử.

Trong những năm qua, tỉnh luôn xác định giá trị, tiềm năng to lớn của Di tích danh thắng Yên Tử ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư có tiềm năng, biết đánh giá, khai thác giá trị vô giá nơi đây. Điển hình là chuỗi cơ sở vật chất, dịch vụ do Công ty CP Phát triển Tùng Lâm đầu tư rộng gần 20ha, như: Khu tĩnh dưỡng Legacy Yên Tử 133 phòng, hội trường Diên Hồng Ballroom 700 chỗ, Am Tuệ Tĩnh chăm sóc sức khỏe; sân quảng trường Minh Tâm và Hoa Tâm có thể đáp ứng cho hàng vạn du khách tham gia lễ hội; hệ thống cáp treo hiện đại theo công nghệ của Pháp lên chùa Hoa Yên và chùa Đồng, công suất gấp gần 10 lần so với năm 2002…

Đặc biệt, đơn vị đã phát triển du lịch văn hóa với các hoạt động mang đậm bản sắc truyền thống của Quảng Ninh cũng như của Việt Nam. Đồng thời, triển khai các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trải nghiệm văn hóa dân tộc, ẩm thực địa phương để tạo sự mới mẻ, hấp dẫn cho du khách như: Đón bình minh trên đỉnh thiêng Yên Tử, thiền, yoga, thái cực quyền, các liệu trình spa truyền thống và hiện đại…

Học sinh tham quan và tìm hiểu các giá trị của Di sản Yên Tử.
Học sinh tham quan và tìm hiểu các giá trị của Di sản Yên Tử.

Chị Pla Stovpova, du khách Na Uy chia sẻ: Khi đến Yên Tử, tôi đã rất ấn tượng với các hoạt động văn hóa hấp dẫn ở đây, tôi được hòa mình vào bầu không khí mang đậm hơi thở của Việt Nam, khám phá văn hóa và ẩm thực độc đáo. Đây chính là những kỷ niệm vô cùng đáng nhớ của tôi tại Việt Nam.

Thời gian tới, Công ty CP Phát triển Tùng Lâm sẽ tiếp tục phát triển các sản phẩm đặc biệt gắn với cuộc đời Phật hoàng Trần Nhân Tông như: Bảo tàng Phật giáo, bảo tàng Trần Nhân Tông hay bảo tàng về Yên Tử, hoàn thiện không gian các làng văn hoá dưới chân Yên Tử, nâng tầm thành các sản phẩm chất lượng cao. Cùng với đó, đơn vị cũng đang tích cực ứng dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm cho du khách thông qua phát triển hệ thống audio guide, tích hợp bằng nhiều ngôn ngữ. Du khách có thể sử dụng điện thoại cá nhân, quét mã QR tại các điểm trên đường lên núi để nhận thông tin về địa danh, ý nghĩa văn hóa, lịch sử…

Ông Christoph M.Strahm, Tổng Quản lý Legacy Yên Tử – Mgallery cho biết: UNESCO công nhận Yên Tử là Di sản thế giới là một tin vui vô cùng lớn. Để lan tỏa câu chuyện ý nghĩa của Yên Tử đến với bạn bè quốc tế, chúng tôi đang triển khai hợp tác đa dạng với nhiều đối tác trong và ngoài nước. Tại Việt Nam, chúng tôi hợp tác chặt chẽ với các công ty lữ hành nội địa và các đại lý du lịch. Để quảng bá ra quốc tế, tới thị trường Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc và các nước, chúng tôi đang hợp tác với các công ty du lịch quốc tế để xây dựng các gói sản phẩm hấp dẫn, phù hợp với từng thị trường. Đồng thời, chúng tôi cũng tập trung đẩy mạnh truyền thông trực tuyến, giới thiệu hình ảnh về núi Yên Tử, Làng Nương, các chương trình biểu diễn nghệ thuật đặc sắc, nông trại hữu cơ, con người địa phương… để tạo cảm hứng, thu hút nhiều du khách đến với Yên Tử.

Cùng với sự đầu tư bài bản của Công ty CP Phát triển Tùng Lâm, nhiều doanh nghiệp xung quanh Di sản Yên Tử cũng đã phát triển du lịch cộng đồng, với những nét văn hóa độc đáo, đặc sắc của đồng bào Dao Thanh Y nơi đây như: Ngâm chân, tắm lá người Dao, các trang phục, gối thêu thổ cẩm ứng dụng trong cuộc sống. Đặc biệt, địa phương đã đầu tư xây dựng Nhà trưng bày không gian văn hoá dân tộc Dao Thanh Y tại thôn Khe Sú, là nơi trưng bày các giá trị truyền thống của đồng bào về trang phục, ẩm thực, các điệu hát xướng, nhạc cụ, lễ hội… để du khách đến tham quan, trải nghiệm. Bên cạnh đó, dưới chân Yên Tử còn khá nhiều những cảnh điểm đẹp có thể khai thác cho du lịch sinh thái, như: Đồi Bình Hương, Phượng Hoàng với những đồi cỏ bạt ngàn, đổi màu theo các mùa trong năm; danh thắng Khe Song – Thác Bạc thích hợp cho các nhóm gia đình, bạn trẻ bơi lội, leo núi, check in…

Hơn 10 năm qua, Yên Tử đã có gần 3.000 tỷ đồng nguồn vốn xã hội hóa của các doanh nghiệp đầu tư xây dựng, hoàn thiện đồng bộ hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống dịch vụ, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, chuyển đổi số trong công tác quản lý và quảng bá, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu tham quan, nghỉ dưỡng của du khách. Nhờ vậy, mỗi năm, Yên Tử đón hàng triệu lượt du khách trong và ngoài nước đến tham quan, chiêm bái, chiếm đến 60% tổng lượng du khách thuộc loại hình du lịch tâm linh tại Quảng Ninh. Yên Tử cũng là điểm du lịch có tổng lượng du khách chỉ đứng thứ hai sau Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Trở thành Di sản văn hóa thế giới là động lực để bảo tồn và phát triển Yên Tử, đưa Yên Tử đến gần hơn với du khách.

Theo ông Phạm Xuân Thành, Phó Chủ tịch UBND phường Yên Tử, năm 2025, phường đặt mục tiêu đón trên 2 triệu lượt khách. Để thực hiện mục tiêu này, chúng tôi lấy Yên Tử là trọng tâm để phát triển du lịch tâm linh, song song với đó tiếp tục bảo tồn phát huy các giá trị của Di sản thế giới Yên Tử, lan tỏa mạnh mẽ hơn nữa hình ảnh Yên Tử đến với du khách trong và ngoài nước. Phường cũng sẽ tiếp tục đa dạng hóa sản phẩm, nâng cao chất lượng các sản phẩm dịch vụ, du lịch đã có, tổ chức Lễ hội mùa thu Yên Tử, góp phần phát huy chiều sâu giá trị Di sản, gia tăng sức hút và trải nghiệm cho du khách; tập trung phát triển các loại hình du lịch văn hóa tâm linh, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, trải nghiệm, cộng đồng người Dao… Bên cạnh đó, đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá, xúc tiến du lịch bằng nhiều hình thức; phối hợp thu hút các nhà đầu tư chiến lược triển khai các dự án du lịch, dịch vụ quy mô lớn trên địa bàn.

Hoàng Quỳnh





Du thuyền 5 sao Hạ Long