Sức sống mới từ du lịch các địa phương

  • Home
  • Sức sống mới từ du lịch các địa phương
Sức sống mới từ du lịch các địa phương

Sức sống mới từ du lịch các địa phương


Đã một năm sau khi du lịch cả nước mở cửa toàn diện trở lại, du lịch các địa phương bắt đầu hồi phục mạnh mẽ với hàng loạt những công trình đầu tư cho cơ sở hạ tầng cùng các dịch vụ, sản phẩm du lịch mới để thu hút du khách…

Cửa ngõ mới hiện đại trên vịnh Bái Tử Long

Bến cảng quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn) đi vào hoạt động, mở ra một cửa ngõ mới đồng bộ, hiện đại của vịnh Bái Tử Long. Ảnh: Đỗ Phương.

Sự kiện gần đây nhất phải kể đến việc đưa vào hoạt động Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn) vào đầu tháng 3 vừa qua, với quy mô gần 30ha, tổng vốn đầu tư hơn 610 tỷ đồng. Công trình tích hợp nhiều tiện ích, thiết kế theo chủ đề không gian xanh, với 5 cầu cảng có thể tiếp nhận cỡ tàu khai thác lên đến 300 ghế. Khu âu tàu có thể tiếp nhận đồng thời 150 tàu du lịch neo đậu. Cùng với đó là ga hành khách và các khu vực cảnh quan, phân khu chức năng khang trang, hiện đại khác, mở ra một cửa ngõ mới đồng bộ, hiện đại của vịnh Bái Tử Long bên cạnh Vịnh Hạ Long.

Như vậy, cho đến nay Vân Đồn đã trở thành địa phương sở hữu hạ tầng, phương thức giao thông đa dạng và đồng bộ, hiện đại nhất tỉnh với sân bay, đường cao tốc và cảng tàu khách hiện đại, tạo động lực thúc đẩy phát triển chung, trong đó có du lịch biển đảo khu vực phía Đông của tỉnh nói riêng.

Hiện nay, trên cơ sở khảo sát, sự đồng thuận của các ngành, đơn vị, địa phương, Sở Du lịch đã có văn bản báo cáo UBND tỉnh đề xuất công nhận 2 tuyến tham quan xuất phát từ bến cảng Ao Tiên đưa vào khai thác ngay. Trong đó, tuyến 1 gồm Cảng Ao Tiên – hang Phất Cờ – nuôi trồng trai ngọc (hòn Đá Đen) – hòn Quạ – cống Lão Vọng – hòn Đũa – đảo Minh Châu – cảng Ao Tiên, có tổng hành trình là 53km. Tuyến 2 gồm Cảng Ao Tiên – đảo Tây Hoi – hòn Mèo Lười – Bản Sen – hang Nhà Trò – cảng Ao Tiên, có tổng hành trình 30km.

Không gian sang trọng tại khu vực ga hành khách của Bến cảng quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn). 

Cùng với đó, đề xuất đối với một số điểm tham quan trên tuyến được phép hoạt động phục vụ du khách sau khi đảm bảo các điều kiện về tuyến đường thuỷ nội địa, cơ sở vật chất kỹ thuật và các điều kiện quản lý hiện hành. Trước mắt, đề xuất miễn phí đối với các hoạt động tham quan trên 2 tuyến trong năm nay.

Bên cạnh đó, Sở Du lịch cũng đề xuất UBND tỉnh cho chủ trương về việc triển khai một số hoạt động du lịch sinh thái tại Vườn quốc gia Bái Tử Long, với đề xuất của đơn vị về 3 tuyến tham quan trong ngày và lưu trú trên vịnh, từ đó có cơ sở triển khai các hoạt động đầu tư hạ tầng thiết yếu để khai thác sản phẩm du lịch mới tại đây.

Khơi dậy nét độc đáo riêng vùng, miền

Không chỉ Vân Đồn, thời gian qua, nhiều địa phương, doanh nghiệp cũng đã có những chỉnh trang, nâng cấp cơ sở vật chất, có nhiều chương trình, kế hoạch làm mới các sản phẩm du lịch để hút khách. Trung tâm du lịch lớn nhất tỉnh là Hạ Long cũng khởi động từ sớm với nhiều nét mới trong năm nay.

Theo đó, thành phố dự kiến sẽ mở cửa trở lại cho khách du lịch trải nghiệm leo núi Bài Thơ, ngắm cảnh thành phố từ trên cao; hình thành khu phố đi bộ tại khu vực chùa Long Tiên gắn với cụm di tích lịch sử núi Bài Thơ; đề xuất vận hành chính thức sản phẩm “Phố đêm du lịch” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Thành phố cũng đề xuất nghiên cứu quy hoạch mới các bãi tắm trên Vịnh Hạ Long, mở rộng các tour, tuyến điểm mới và triển khai một số sản phẩm du lịch mới trên Vịnh Hạ Long và khu vực vịnh Cửa Lục để thu hút khách.

 TP Hạ Long đề xuất vận hành chính thức sản phẩm “Phố đêm du lịch” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long. Ảnh: Du khách trải nghiệm trên tàu nhà hàng Sea Octopus.

Hạ Long cũng xác định sẽ khai thác tối đa lợi thế về cảnh quan thiên nhiên, văn hoá, con người và các tuyến giao thông động lực mới đưa vào sử dụng để phát triển du lịch bền vững. Trong đó, khu vực đồi núi phía Bắc với những giá trị văn hoá đặc sắc của đồng bào các dân tộc vùng cao được xem là một điểm nhấn trong bức tranh du lịch thành phố, để phát triển du lịch sinh thái cộng đồng, như: Trải nghiệm văn hoá tại Khu bảo tồn bản văn hoá người Dao Thanh Y, khám phá núi Đá Chồng, bãi Cỏ Cháy (đồi Phượng Hoàng) tại xã Bằng Cả; phát triển du lịch cộng đồng thôn Khe Phương, Đèo Dài tại xã Kỳ Thượng; phát triển du lịch sinh thái tại thôn Đồng Đặng, xã Sơn Dương…

Mô hình du lịch Am Váp Farm tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long).

Ở nơi cửa ngõ phía Tây của tỉnh, để tạo bước chuyển về chất trong ngành du lịch mũi nhọn này cũng như đáp ứng các nhu cầu thực tiễn, Đông Triều đã xây dựng “Đề án phát triển du lịch TX Đông Triều đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030”, bắt đầu đi vào hoạt động trong năm nay.

Theo đó, du lịch TX Đông Triều sẽ kết nối hình thành các tour tuyến du lịch tâm linh, du lịch nông nghiệp, du lịch trải nghiệm. Du lịch tâm linh gắn với hệ thống di tích trên địa bàn, nhất là quần thể di sản nhà Trần tại Đông Triều. Thị xã sẽ kết nối về tour tuyến với các địa phương lân cận đã ký kết hợp tác phát triển du lịch là Quảng Yên, Uông Bí, đồng thời kết nối với Bắc Giang để hình thành tuyến du lịch tâm linh xuyên suốt các địa phương. Du lịch nông nghiệp cùng với những cơ sở sẵn có, Đông Triều còn xây dựng một đề án phát triển du lịch nông nghiệp gắn với xã NTM kiểu mẫu Việt Dân. Du lịch trải nghiệm sẽ có những sản phẩm mới, kết nối với các khu vực hồ Khe Chè, khu vực trải nghiệm dù bay, kết nối tổ chức các giải đua xe đạp hành trình về miền di sản Đông Triều, để thu hút khách du lịch.

Du khách nhí vui chơi với thỏ (ảnh trên) và duyên dáng check in (ảnh dưới) tại Đảo Tím, khu du lịch Quảng Ninh Gate (Đông Triều)

Một điểm nhấn hút khách của thị xã là khu du lịch Quảng Ninh Gate. Qua tìm hiểu cho thấy, năm nay đơn vị tiếp tục đầu tư, chỉnh trang cơ sở vật chất để chào đón mùa du lịch mới năm 2023. Gần đây nhất, đơn vị đã đưa vào hoạt động khu Đảo Tím – điểm check in, trải nghiệm độc đáo dành cho cả người lớn và trẻ em. Đặc biệt, với loại hình du lịch trải nghiệm tập trung vào đối tượng học sinh, sinh viên theo xu hướng “học mà chơi, chơi mà học”, doanh nghiệp đã liên kết, phối hợp với ngành giáo dục, các nhà trường và đơn vị lữ hành để mở rộng phạm vi hoạt động ở gần 20 tỉnh, thành khu vực phía Bắc. Qua đó, thu hút lượng khách trải nghiệm khá đông đúc ngay từ đầu năm, giải quyết tốt vấn đề “mùa vụ” trong du lịch.

Cũng đi theo hướng này, nhưng kết hợp giữa giáo dục truyền thống gắn với chiến thắng lịch sử của cha ông xưa và các trải nghiệm khác, Ban Quản lý Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Bạch Đằng (Quảng Yên) đã có sự đầu tư về cơ sở vật chất, xây dựng lịch trình trải nghiệm, kết nối với các công ty lữ hành, nhà trường… để phát huy giá trị di tích Bạch Đằng trở thành điểm đến thu hút du khách về với Quảng Yên.

Du khách nhí trải nghiệm úp nơm bắt cá (ảnh trên) và kỹ năng phòng cháy chữa cháy (ảnh dưới) tại Quảng Ninh Gate (Đông Triều).

Gắn kết giá trị văn hoá với cảnh quan vùng biên giới Bình Liêu

Là mảnh đất giàu tiềm năng du lịch, ngay từ đầu năm, Bình Liêu cũng triển khai kế hoạch phát huy những kết quả đã có, nhằm từng bước đưa hoạt động du lịch vào chiều sâu, có chất lượng, xây dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc, hấp dẫn riêng có dựa vào bản sắc văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc, khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ của vùng núi cao, biên giới Bình Liêu.

Năm nay, địa phương đã xây dựng kế hoạch để tổ chức hiệu quả và lan tỏa các sự kiện kích cầu, thu hút khách du lịch. Theo đó, các hoạt động du lịch mùa xuân – hè tập trung vào các chương trình lễ hội, ngày hội văn hóa của các dân tộc Tày, Dao, Sán Chỉ, khám phá các đỉnh núi và các thác nước trên địa bàn, mùa cỏ xanh tuyến đường biên giới, mùa hoa đào, hoa trẩu… Các hoạt động du lịch mùa thu – đông tập trung vào điểm nhấn là mùa nước đổ trên ruộng bậc thang, mùa hoa mua, hoa sim, mùa hoa lau biên giới, mùa lá đỏ, mùa lúa chín vàng, mùa hoa sở, mùa thu hoạch dong riềng và chế biến miến dong… Gắn với đó là các chương trình chào mùa thu Bình Liêu, Tuần Văn hóa – Du lịch, Hội Mùa vàng, Hội hoa Sở Bình Liêu…

Bình Liêu xây dựng các hoạt động du lịch gắn với giá trị văn hoá và vẻ đẹp cảnh sắc theo mùa. Ảnh: Mùa lúa chín vàng vào dịp cuối năm tại Bình Liêu.

Bên cạnh đó, Bình Liêu tiếp tục đẩy mạnh đầu tư hoàn thiện hạ tầng du lịch thiết yếu, trong đó triển khai các dự án trọng điểm để phát triển kinh tế – xã hội gắn với du lịch, như: Dự án đường kết nối Húc Động – Cao Ly – Đồng Văn – Cao Ba Lanh, đường kết nối đỉnh Cao Xiêm, mở rộng đường từ QL18C đến khu di tích danh lam thắng cảnh ruộng bậc thang xã Lục Hồn; triển khai đầu tư hạ tầng viễn thông (trạm BTS) phủ lõm sóng các điểm du lịch… Nghiên cứu, triển khai một số hạng mục công trình chuyên sâu, tạo khác biệt và cảm hứng check in cho khách du lịch, như: Cổng chào, điểm chụp ảnh nhận diện núi Cao Xiêm, núi Cao Ly, hệ thống đèn chiếu sáng trang trí tại khu vực tổ chức chợ đêm…

Địa phương cũng tiếp tục huy động nguồn lực xã hội hóa đầu tư triển khai các dự án du lịch chất lượng cao, du lịch sinh thái, cộng đồng trên địa bàn. Đồng thời hỗ trợ nhà đầu tư triển khai các dự án du lịch theo quy hoạch, đặc biệt là dự án tại các địa bàn trọng điểm như thị trấn Bình Liêu, xã Húc Động, Lục Hồn, Đồng Văn, Hoành Mô… Thực hiện có hiệu quả các chương trình hợp tác, kết nối du lịch trong nước cũng như xúc tiến kết nối, phát triển du lịch biên giới qua cửa khẩu Hoành Mô (Việt Nam) – Động Trung (Trung Quốc) khi được công nhận là cửa khẩu song phương…

Với sự vào cuộc mạnh mẽ của các địa phương, doanh nghiệp ngay từ đầu năm, du lịch Quảng Ninh năm nay hứa hẹn sẽ có những sắc màu tươi mới thu hút du khách bốn phương…





Du thuyền 5 sao Hạ Long