Cù Lao Thác – nơi thử thách bản thân

  • Home
  • Cù Lao Thác – nơi thử thách bản thân
Cù Lao Thác – nơi thử thách bản thân

Cù Lao Thác – nơi thử thách bản thân


Cù Lao Thác cao khoảng 300 m nằm sâu trong rừng là địa điểm để du khách khám phá thiên nhiên và thử thách bản thân.

Nằm ở xã Vĩnh Hảo, huyện Vĩnh Thạnh, cách TP Quy Nhơn khoảng hơn 90 km có một thác nước hùng vĩ. Đây là thác nước tự nhiên, không có tên. Người dân địa phương thường gọi với cái tên Cù Lao Thác. Khánh Chương (Quy Nhơn), yêu thích thiên nhiên và thích khám phá những nơi còn hoang sơ, trong những lần câu cá ở hồ Định Bình (xã Vĩnh Hảo), đã được người dân giới thiệu thác nước này. Anh Chương được hướng dẫn đi theo tuyến đường DT637, cung đường ven Hồ Định Bịnh. Thác cách nhà máy thủy điện Định Bình khoảng 12 km.

Gần mặt đường hướng vào chân thác, phía bên trái là lối mòn dẫn vào một ngôi làng nhỏ. Người dân trong làng hướng dẫn anh đi theo lối mòn vào trong rừng, men theo dòng suối sẽ đến chân thác. Khoảng cách từ làng đến thác khoảng 4 km, di chuyển theo đường mòn mất khoảng hơn hai tiếng tính cả thời gian nghỉ. Khung cảnh xung quanh hoang sơ với rừng, đồi, núi và những ruộng ngô của người dân.

Đến chân thác, chuyến trekking mới thực sự bắt đầu. Đi xuyên qua rừng keo do người dân địa phương trồng (ảnh), đường vẫn dễ đi. Địa hình trở nên dốc dần khi lên cao. Có những đoạn không thấy đường đi, phải phát quang, mở lối. Ưu điểm là đi gần suối nên không khí mát mẻ.

Trên đường đi có nhiều cây cổ thụ, anh Chương không rõ tên. Kích thước gốc cây phải 3, 4 người ôm.

Là người có kinh nghiệm, anh Chương cho biết khi đi rừng thường xuyên gặp phải những loài động, thực vật có độc. Bản thân anh khi nhìn thấy lớp da rắn đã lột dưới đất thấy bình thường, nhưng với những người mới có thể sẽ bị dọa sợ.

Vì vậy, tốt nhất du khách nên cân nhắc kỹ trước khi đến đây. Chỉ những người có kinh nghiệm hoặc có dân địa phương dẫn đường mới có thể đảm bảo an toàn.

Khi đến nơi, anh Chương bị choáng ngợp trước con thác. Thác nước cao khoảng 300 m. Vách đá nằm nghiêng nên nguồn nước rẽ thành hai nhánh đổ xuống. Tấm ảnh chụp toàn cảnh thác nước này là hình ghép của 5 tấm ảnh anh Chương chụp bằng flycam bay trên độ cao 450 m.

“Ngồi dưới thác điều khiển flycam mà trong ảnh không thấy người, vậy mới thấy đến đây, con người như lọt thỏm giữa thiên nhiên hùng vĩ”, anh Chương nói.

Bên cạnh suối có nhiều tảng đá lớn và bãi cát rộng rãi, có chỗ dựng được hơn 10 lều. Anh Chương dựng lều trên tảng đá lớn gần hồ nước xanh mát màu ngọc bích.

Dựng trại ở đây khá an toàn vì đá liền một khối chắc chắn, cao hơn hồ nước và nằm xa thác.

Ngoài gạo và muối là hai vật phẩm cần thiết cho mỗi chuyến cắm trại, hồ nước cũng là nơi cung cấp nguồn thức ăn phong phú. Anh Chương thường chỉ mang đồ ăn cho ngày đầu tiên. Ngày thứ hai anh sẽ tìm kiếm đồ ăn trong tự nhiên bằng cách câu cá, bắt cua, ốc, ếch… Có thể sử dụng những ống tre, nứa trong rừng để nấu cơm lam.

“Theo quan điểm của tôi, việc tự tìm thức ăn trong rừng mới đúng nghĩa tận hưởng hương vị của một chuyến đi giữa thiên nhiên”, anh Chương nói.

Trong balo anh Chương mang theo còn có lều, găng tay, dao và dụng cụ y tế để sơ cứu kịp thời trong những tai nạn bất ngờ. Tuy nhiên, anh cho biết hành lý mang theo không nên quá nặng, dễ khiến cơ thể mất sức khi di chuyển.

Những nguy hiểm thường gặp nhất khi đi rừng là bị động vật, côn trùng cắn hoặc bị vấp ngã, va đập vào cây, đá. Đặc biệt vào mùa mưa, từ khoảng tháng 9 – tháng 12, đường đi trơn trượt, nước lớn, tiềm ẩn nhiều nguy hiểm.

Thời điểm lý tưởng nhất để trekking và camping tại thác là vào mùa hè, từ khoảng tháng 5 – tháng 7, thời tiết khô ráo. Du khách nên đi cùng người bản địa có kinh nghiệm để kịp thời xử lý khi xảy ra sự cố. Nếu đi lạc trong rừng này, chỉ cần đi men theo suối sẽ về lại làng.

Hiện tại, Cù Lao Thác chưa có đơn vị nào khai thác tour du lịch.

Ngoài khám phá thác, du khách cũng có thể dành thời gian tham quan, khám phá ngôi làng nhỏ với khung cảnh xanh mát và yên bình.





Du thuyền 5 sao Hạ Long