Cung đường ngoạn mục đèo Hải Vân nhìn từ trên cao

  • Home
  • Cung đường ngoạn mục đèo Hải Vân nhìn từ trên cao
Cung đường ngoạn mục đèo Hải Vân nhìn từ trên cao

Cung đường ngoạn mục đèo Hải Vân nhìn từ trên cao


Địa danh đặc biệt đèo Hải Vân, nơi được mệnh danh thiên hạ đệ nhất hùng quan không chỉ có cảnh sắc tuyệt mỹ, đường đi hiểm trở mà còn mang đậm dấu ấn lịch sử, thu hút hơn 1 triệu du khách tới tham quan mỗi năm.

Đèo Hải Vân (còn gọi là đèo Mây vì quanh năm đỉnh đèo có mây che phủ) là con đèo chạy trên dãy núi Bạch Mã (nhánh của dãy Trường Sơn đâm ngang ra biển). Nơi đây nổi tiếng là đường đèo đẹp nhất và hiểm trở nhất Việt Nam.

Đèo chạy quanh co cắt ngang dãy núi, có độ dài 20km, cao trung bình 500m so với mực nước biển, là ranh giới giữa tỉnh Thừa Thiên Huế và TP Đà Nẵng. Trong ảnh, đỉnh cao nhất của dãy núi Bạch Mã.

Từ trên cao có thể nhìn về thành phố Đà Nẵng rất rõ nét. Theo sử sách, trước năm 1306, vùng đất có đèo Hải Vân thuộc về hai châu Ô, Rí của Vương quốc Chăm Pa. Năm 1306, vua Chăm Pa là Chế Mân cắt hai châu này làm ranh giới giữa Đại Việt và Chăm Pa.

Khoảng một thế kỷ sau, dưới thời Hồ, năm 1402 đèo Hải Vân trở thành ranh giới tự nhiên của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam. Sách Phủ biên tạp lục của Lê Quý Đôn đã chép: “Hải Vân dưới sát bờ biển, trên chọc tầng mây, là giới hạn của hai xứ Thuận Hóa và Quảng Nam”.

Tới năm 1470, vua Lê Thánh Tông thân chinh mang quân đi đánh Chăm Pa. Khi tới đèo Hải Vân, ông ấn tượng và xúc động trước cảnh quan hùng vĩ, đã cảm tác làm thơ và đặt tên nơi này là “Thiên hạ đệ nhất hùng quan”.

Vào thời Nguyễn, Hải Vân là ranh giới giữa Thừa Thiên và Quảng Nam. Con đường đèo trên núi cực kỳ hiểm trở, nguy hiểm khó đi, nhiều thú dữ và có kẻ cướp. Trong nhiều thế kỷ, rất ít người dám qua lại và Hải Vân là trở ngại trong việc giao thương, giao lưu văn hóa.

Năm 1902, thực dân Pháp xây dựng đường sắt qua đèo Hải Vân, tới năm 1906 thì thông tuyến và nằm trong hệ thống đường sắt quốc gia khởi công từ năm 1881.

Đây thực sự là một kỳ tích bởi địa thế vô cùng hiểm trở. Đường sắt Hải Vân đi quanh co trên sườn núi, phải qua 6 hầm chui và 18 cây cầu. Tàu đi trên đèo một bên là vách núi, một bên là vực sâu và biển cả.

Đi xe lửa qua đây là một trải nghiệm khó quên với bất cứ ai bởi có thể ngắm nhìn thiên nhiên hùng vĩ, cảnh quan hoang sơ tuyệt đẹp của con đường đèo. Hình ảnh lãng mạn của đoàn tàu hỏa vượt Hải Vân đã trở thành cảm hứng để nhiều nhạc sĩ sáng tác ra các ca khúc bất hủ, trong đó có “Tàu anh qua núi” của Phan Lạc Hoa.

Từ Đà Nẵng trở ra phía Bắc theo đường đèo Hải Vân, khi vừa tới khúc quanh co thuộc địa phận tỉnh Thừa Thiên Huế, du khách dễ dàng ngắm nhìn toàn cảnh Lăng Cô và đầm Lập An với những ngôi nhà khang trang ngói mới soi mình xuống biển xanh thẳm, những cồn cát trắng tinh khôi trải dài tít tắp, phía xa là dãy núi điệp trùng với mây trắng bao phủ.

Theo thống kê của ngành du lịch, khi chưa có đại dịch Covid-19 xuất hiện, vào các năm 2018, 2019 mỗi năm có từ 1,6-1,8 triệu lượt khách đến thăm đèo Hải Vân.





Du thuyền 5 sao Hạ Long