Du lịch sau khi sáp nhập địa phương: Cơ hội và thách thức

  • Home
  • Du lịch sau khi sáp nhập địa phương: Cơ hội và thách thức
Du lịch sau khi sáp nhập địa phương: Cơ hội và thách thức

Du lịch sau khi sáp nhập địa phương: Cơ hội và thách thức


Sáp nhập đơn vị hành chính không chỉ là bước đột phá trong cải cách thể chế mà còn mở ra cơ hội, không gian phát triển rộng lớn cho các địa phương của Quảng Ninh. Việc nhận diện đầy đủ tiềm năng, tháo gỡ điểm nghẽn, huy động nguồn lực, kết nối đồng bộ và nâng tầm giá trị từng vùng đất… là yêu cầu, nhiệm vụ đặt ra để các địa phương phát triển du lịch một cách bền vững, từng bước tạo đột phá trong giai đoạn mới.

Mở ra nhiều cơ hội

Sau sáp nhập đơn vị hành chính, phường Yên Tử xác định rõ mục tiêu phát triển là khai thác hiệu quả tiềm năng, lợi thế riêng có để từng bước trở thành điểm đến hấp dẫn về du lịch, đầu tư và đổi mới sáng tạo. Là trung tâm du lịch tâm linh cấp quốc gia, nơi có Khu di tích Quốc gia đặc biệt Yên Tử thuộc của Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới, Yên Tử đang đứng trước thời cơ vàng để nâng tầm vị thế. Bên cạnh hệ sinh thái rừng đặc dụng phong phú, cảnh quan độc đáo, bản sắc văn hóa Dao Thanh Y đậm đà…, sau sáp nhập, địa phương có điều kiện thuận lợi hơn về quản lý không gian, đầu tư hạ tầng và kết nối dịch vụ du lịch liên vùng.

Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới mở ra những cơ hội mới cho phát triển du lịch.
Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử – Vĩnh Nghiêm – Côn Sơn, Kiếp Bạc vừa được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa thế giới mở ra những cơ hội mới cho phát triển du lịch.

Phường đặt mục tiêu năm 2025 đón trên 2 triệu lượt khách, đồng thời đẩy mạnh phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, nghỉ dưỡng chất lượng cao. Nhiều sản phẩm mới như Lễ hội mùa thu Yên Tử, trải nghiệm cộng đồng người Dao, du lịch chữa lành, du lịch thiền… đang được hình thành và hoàn thiện. Sự thay đổi trong mô hình quản lý địa phương sau sáp nhập cũng góp phần tạo điều kiện tập trung nguồn lực, điều hành thống nhất, từ đó thúc đẩy phát triển du lịch một cách bài bản, chiều sâu.

Tương tự, Đặc khu Vân Đồn xác định hướng phát triển kinh tế đa ngành, trong đó du lịch biển đảo, nghỉ dưỡng cao cấp, vui chơi giải trí là một trong những trụ cột chính. Cho đến nay, địa bàn Vân Đồn thu hút hơn 60 dự án sử dụng vốn ngoài ngân sách, tổng vốn đăng ký ước tính đạt 63.000 tỷ đồng, đặc biệt trong lĩnh vực bất động sản nghỉ dưỡng và hạ tầng. Trong đó, nhiều công trình hạ tầng trọng điểm đã hoàn thành đầu tư và đi vào hoạt động như Cảng hàng không Quốc tế Vân Đồn, tuyến đường cao tốc Hà Nội – Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái, Bến cảng quốc tế Ao Tiên… Đây là những đầu mối hạ tầng huyết mạch phục vụ lưu thông hàng hóa, du lịch, vận tải và giao thương quốc tế. Ngoài ra, hàng loạt dự án như: Khách sạn Wyndham Garden Sonasea, Angsana Quan Lan Hạ Long Bay Resort… đang trở thành những điểm nhấn dịch vụ, du lịch cao cấp và đã khai thác hiệu quả.

Khách sạn Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn.
Khách sạn Wyndham Garden Sonasea Vân Đồn.

Việc Vân Đồn trở thành đặc khu kinh tế tiếp tục là động lực để các dự án hạ tầng du lịch quy mô lớn được khởi động tại đây. Đặc biệt, Dự án Khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp tại Vân Đồn (casino Vân Đồn) dự kiến được đầu tư hơn 2 tỷ USD (tương đương 51.555 tỷ đồng), với mục tiêu xây dựng tổ hợp du lịch nghỉ dưỡng, giải trí có thưởng, tổ chức sự kiện quốc tế và trở thành điểm đến hàng đầu khu vực châu Á sẽ được xem là bước đi bổ sung hoàn hảo cho hệ sinh thái kinh tế địa phương nói chung và động lực cho du lịch bứt phá nói riêng.

Không chỉ riêng phường Yên Tử hay Đặc khu Vân Đồn, theo đánh giá của các chuyên gia, sáp nhập đơn vị hành chính tạo ra nền tảng thuận lợi để phát triển du lịch bền vững. Khi các nguồn lực được quy về một mối, sẽ dễ dàng hơn trong quy hoạch, thu hút đầu tư, quảng bá, kết nối sản phẩm và quản lý điểm đến.

Hiện nay, Quảng Ninh có 1 khu du lịch cấp quốc gia, 5 khu du lịch cấp tỉnh và 88 điểm du lịch đã được công nhận. Qua rà soát sơ bộ, các khu, điểm du lịch hiện nay thuộc 37 xã, phường, đặc khu; có khu du lịch Bình Liêu (trước đây thuộc huyện Bình Liêu) nay thuộc 3 xã Bình Liêu, Hoành Mô, Lục Hồn. Việc sắp xếp lại các đơn vị hành chính không làm thay đổi tiềm năng du lịch sẵn có, mà còn mở ra cơ hội quản lý hiệu quả hơn, quy hoạch bài bản hơn và phát huy giá trị tài nguyên tốt hơn, thúc đẩy du lịch liên kết vùng mạnh mẽ hơn.

Phối cảnh quy hoạch Khu casino Vân Đồn. Ảnh: Mạnh Trường
Phối cảnh quy hoạch Khu casino Vân Đồn. Ảnh: Mạnh Trường

Định hướng phát triển du lịch bền vững

Đối với Quảng Ninh, địa phương có nhiều tiềm năng, lợi thế phát triển du lịch và xác định phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, việc sắp xếp lại đơn vị hành chính sẽ có tác động đáng kể đến ngành du lịch. Song từ đây cũng mở ra những cơ hội quan trọng để Quảng Ninh tạo ra sức bật mới cho du lịch, gắn với chiến lược phát triển du lịch toàn diện, bền vững và có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cấp chính quyền, doanh nghiệp và cộng đồng địa phương.

Các lễ hội truyền thống tiếp tục được các địa phương khai thác phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong ảnh: Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.
Các lễ hội truyền thống tiếp tục được các địa phương khai thác phát triển thành các sản phẩm du lịch đặc thù. Trong ảnh: Lễ hội Đền Đức Ông Trần Quốc Nghiễn.

Bên cạnh những thuận lợi, việc thực hiện sắp xếp các đơn vị hành chính cấp xã của tỉnh Quảng Ninh năm 2025 cũng sẽ là thách thức cho công tác quản lý du lịch do nhiều đầu mối liên hệ (54 đầu mối thay vì 13 đầu mối như trước đây). Đội ngũ cán bộ, công chức chuyên môn về du lịch tại các xã, phường, đặc khu sau khi sáp nhập sẽ có nhiều người mới để tiếp cận công việc. Các khu du lịch liên xã đòi hỏi công tác phối hợp, quản lý, khai thác chặt chẽ hơn giữa các địa phương…

Đồng chí Nguyễn Lâm Nguyên, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cho biết: Sau khi sáp nhập đơn vị hành chính, Sở đã xác định rõ việc kết nối, liên kết các địa phương trong phát triển chuỗi tour, tuyến du lịch liên vùng là nhiệm vụ trọng tâm. Đây là cơ hội để tái cơ cấu lại không gian du lịch, phát huy lợi thế vùng và tăng tính liên kết giữa các điểm đến. Sở đang xây dựng và triển khai kế hoạch khảo sát, đánh giá các khu, điểm du lịch và làm sạch dữ liệu tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh năm 2025 làm cơ sở để đánh giá lại hiện trạng cũng như đề xuất các giải pháp quản lý. Đồng thời, xây dựng đề án du lịch thông minh, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, chỉ đạo, theo dõi và báo cáo tình hình đối với từng địa phương; quản lý tài nguyên du lịch, cung cấp thông tin về sản phẩm du lịch cho du khách; tiếp tục thúc đẩy liên kết vùng trong quảng bá, xúc tiến, xây dựng sản phẩm đặc thù theo trục không gian du lịch của tỉnh.

Show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” là sản phẩm du lịch mới vừa được ra mắt tại hang Ngọc Rồng thuộc Khu di tích và danh thắng Vũng Đục.
Show diễn thực cảnh “Đi tìm dấu ngọc” là sản phẩm du lịch mới vừa được ra mắt tại hang Ngọc Rồng thuộc Khu di tích và danh thắng Vũng Đục.

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về du lịch, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã có văn bản gửi 54 xã, phường, đặc khu yêu cầu cung cấp thông tin, triển khai các nội dung liên quan lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và thống nhất đầu mối cán bộ phụ trách công tác du lịch từ tỉnh đến cơ sở. Từ nay đến cuối năm, Sở sẽ tổ chức 4 lớp tập huấn cho cán bộ quản lý lĩnh vực du lịch cấp xã về triển khai Luật Du lịch 2017, quản lý lưu trú, dịch vụ du lịch, quản lý điểm và khu du lịch, công tác điều tra tài nguyên du lịch năm 2025…

Việc sáp nhập các địa phương là cơ hội để tái cấu trúc ngành du lịch. Tin tưởng với tầm nhìn chiến lược, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và sự đồng hành của doanh nghiệp, cộng đồng, các địa phương sau sáp nhập sẽ trở thành động lực mới trong bức tranh du lịch toàn tỉnh, góp phần thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh.

Nguyễn Dung





Du thuyền 5 sao Hạ Long