Hướng phát triển kinh tế biển tổng hợp ở Cô Tô

  • Home
  • Hướng phát triển kinh tế biển tổng hợp ở Cô Tô
Hướng phát triển kinh tế biển tổng hợp ở Cô Tô

Hướng phát triển kinh tế biển tổng hợp ở Cô Tô


Tài nguyên vị thế là những giá trị mà các đặc tính tự nhiên có thể đem lại phục vụ phát triển KT-XH, bảo vệ an ninh, chủ quyền, biên giới, biển đảo của quốc gia. Biển là cửa ngõ với hệ thống tài nguyên, là một trong những động lực quan trọng nhất để phát triển kinh tế. Nằm trong vòng cung đảo gần bờ thuộc khu vực biển Đông Bắc, sở hữu vị trí địa chiến lược và tiềm năng tài nguyên vị thế đa dạng, huyện đảo Cô Tô có nhiều lợi thế để phát triển nền kinh tế biển tổng hợp đa ngành gắn với bảo tồn sinh thái, bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh, chủ quyền theo Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Một góc đảo Cô Tô.
Một góc đảo Cô Tô.

Tài nguyên vị thế nổi trội

Vùng biển Cô Tô có gần 200 loài thực vật phù du với 31 chi, 3 ngành tảo; hơn 60 loài động vật phù du gồm 2 giống thuộc 4 nhóm vỏ giáp, chân chèo và gần 100 loài động vật đáy, trong đó có những loài có giá trị kinh tế cao như bào ngư, ốc nón, hải sâm, ngọc trai… Điều kiện tự nhiên ở Cô Tô phù hợp để trai ngọc phát triển tốt. Hệ sinh thái san hô ở Cô Tô phát triển rộng lớn ở độ sâu 10-20m, gồm 70 loài, 28 giống, 12 họ, trong đó có nhiều loài quý hiếm như san hô đỏ, san hô sừng. Nguồn cá phong phú với hai nhóm cá nổi và cá đáy tập trung ở 3 bãi cá điển hình gồm: Bãi cá đáy và bãi cá nổi Bạch Long Vĩ, bãi cá nổi ven bờ tỉnh Quảng Ninh với những loài cá có giá trị kinh tế cao. Đây là điều kiện vô cùng thuận lợi để Cô Tô phát triển ngư nghiệp (khai thác gần bờ, đánh bắt xa bờ và thu mua hải sản).

Vùng biển đảo Trần luôn có khoảng 60-80 thuyền đánh cá với hàng nghìn ngư dân từ 8 địa phương ven biển trong tỉnh từ Móng Cái đến Quảng Yên và nhiều tỉnh khác: Thái Bình, Thanh Hóa, Thừa Thiên Huế, Quảng Ngãi… đến khai thác và đánh bắt thủy sản tạo ra nhu cầu dịch vụ hậu cần nghề cá. Khu vực quần đảo Cô Tô có điều kiện thuận lợi để hình thành và phát triển một trung tâm tìm kiếm cứu nạn trên biển thực hiện các dịch vụ cứu hộ, cứu nạn, thông tin cảnh báo thiên tai về gió, bão và lốc tố trên biển, đáp ứng nhu cầu dịch vụ y tế trên biển, mang tính nhân đạo và hỗ trợ người dân hoạt động kinh tế và thực hiện các quyền chủ quyền và lợi ích quốc gia trên Vịnh Bắc Bộ.

Vịnh Bắc Bộ là một vùng biển phát triển kinh tế năng động với các lĩnh vực hàng hải, nghề cá, khai khoáng, du lịch và các dịch vụ khác. Thông qua Vịnh Bắc Bộ là những tuyến đường hàng hải quan trọng của Bắc Việt Nam và Nam Trung Quốc với các nước trong khu vực và quốc tế, đặc biệt là từ các cảng của Việt Nam như: Hải Phòng, Hạ Long, Cẩm Phả tới Bắc Hải (Trung Quốc); trong đó, Cô Tô – đảo Trần có vai trò là cửa ngõ, là đảo án ngữ, kiểm soát con đường hàng hải quốc tế huyết mạch quan trọng này. Trong không gian phát triển vùng, Cô Tô – đảo Trần có vai trò cửa ngõ nhất là trong quá trình hợp tác một vành đai và hai hành lang được thực hiện từ năm 2005. Các lĩnh vực hợp tác gồm thương mại, công nghiệp, nông nghiệp, du lịch, khai thác tài nguyên, chế biến và điện lực… trong khuôn khổ khu vực mậu dịch tự do Trung Quốc – ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mê Kông.

Cô Tô mang giá trị về sinh thái cảnh quan như một bảo tàng tự nhiên với các bãi tắm hoang sơ, nước biển trong, hệ sinh thái rừng nhiệt đới với 3 tầng cây cỏ và tầng dây leo, là hệ sinh thái rừng khá hiếm ở Việt Nam, thích hợp với du lịch nghỉ dưỡng, tắm biển và trải nghiệm. Nằm ở vị trí ngoài khơi Vịnh Bắc Bộ, các bãi biển trên đảo Cô Tô còn có đặc điểm độc đáo là sườn ngầm khá sâu, hệ sinh thái san hô đa dạng, thích hợp với loại hình câu cá, lặn biển du lịch. Huyện Cô Tô có vị trí địa lý thuận lợi nằm trong quần thể du lịch trọng điểm Vịnh Hạ Long – Vịnh Bái Tử Long – Vân Đồn – Cô Tô – Móng Cái, là một lợi thế quan trọng để mở rộng thị trường và hợp tác phát triển.

Ở huyện đảo Cô Tô có 2 mùa gió trong năm, mùa gió Đông Bắc mang không khí lạnh (từ tháng 11 đến tháng 3) và mùa gió Đông Nam (từ tháng 4 đến tháng 10). Các hoàn lưu gió mùa này kết hợp với điều kiện địa hình phức tạp nơi đây tạo nên chế độ gió rất đặc trưng với hai hướng gió chính. Dựa vào cơ sở dữ liệu đo gió tại Cô Tô, các nhà khoa học xác định tiềm năng năng lượng gió tại các độ cao 10m, 35m, 50m, 80m và kết quả tính toán cho thấy ở độ cao 80m, mật độ năng lượng trung bình và tổng năng lượng trung bình năm đạt 383,1W/m2 và 3.371,5 kWh/m2 ở độ cao 80m. Như vậy, các loại máy điện gió công suất nhỏ 10kW đến các máy điện gió công suất lớn 1,5MW có thể sử dụng hiệu quả ở Cô Tô và tại các vị trí trên vùng núi cao và các vùng biển gần bờ, thuận lợi nhất là vùng Đông và Đông Bắc của huyện đảo có khả năng xây dựng các nhà máy điện gió công suất lớn, đáp ứng nhu cầu năng lượng của Cô Tô, thậm chí có thể bổ sung nguồn năng lượng điện cho hệ thống điện lưới quốc gia nếu các nguồn điện gió được đấu nối vào hệ thống điện bằng hệ thống cáp ngầm dưới biển.

Cụm đảo Cô Tô – Thanh Lân bao quát vùng biển rộng lớn có thể kiểm tra, kiểm soát toàn bộ các tuyến đường thủy ra vào các cửa biển, bến cảng của Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Vân Đồn… Với địa hình thuận lợi cho phòng thủ nhiều tầng, nhiều lớp (nhiều vũng vịnh, cửa biển, cao điểm, mũi đá, bến bãi…), đảo Thanh Lân có bờ mài mòn vũng vịnh phát triển, có sườn Đông hẹp và dốc cùng với các đảo nhỏ lân cận tạo thành căn cứ quân sự liên hoàn, trở thành lá chắn vững chắc bảo vệ lãnh hải và vùng nội thủy ven bờ Quảng Ninh – Hải Phòng.

Theo Luật Biển Việt Nam được Quốc hội thông qua ngày 21/6/2012 và nội dung của Hiệp định phân định Vịnh Bắc Bộ giữa Việt Nam với Trung Quốc ngày 25/12/2000, đảo Trần có giá trị to lớn và vững chắc về chủ quyền biển đảo của Việt Nam khi nằm cách đường phân định trên Vịnh Bắc Bộ khoảng gần 7 hải lý. Khu vực đảo Trần và quần đảo Cô Tô đã góp phần xác định (từ vị trí số 1 đến số 9, đặc biệt là điểm cực Đông của đảo Bồ Cát – đảo Trần Nhạn) thuộc về lãnh hải của Việt Nam. Với 21 vị trí được xác định, Việt Nam được hưởng 53,23% diện tích Vịnh Bắc Bộ. Việc quản lý một vùng biển rộng đầy tiềm năng xung quanh đảo có ý nghĩa rất quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền, QP-AN và phát triển kinh tế đất nước.

Với đặc tính đa dạng sinh học cao, vùng đảo Cô Tô, đảo Trần là một trong 16 khu bảo tồn biển của Quốc gia đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 742/QĐ-TTg ngày 26/5/2010. UBND tỉnh cũng đã thông qua Dự án thành lập khu bảo tồn biển Cô Tô, đảo Trần để bảo tồn các hệ sinh thái biển đặc thù và các loại sinh vật biển quý hiếm có tổng diện tích trên 18.400ha, bao gồm khu bảo tồn trên 13.230 ha và vùng đệm trên 5.184ha với phương án đầu tư dự kiến 184 tỷ đồng.

Với lợi thế về ngư trường rộng lớn và nguồn lợi thủy sản có giá trị kinh tế cao, ngư nghiệp từ lâu đã là sinh kế chủ yếu của người dân Cô Tô. Nhờ định hướng đúng và sự đầu tư của Trung ương, của tỉnh và của huyện, cũng như nỗ lực của ngư dân, khai thác thủy, hải sản ngày càng phát triển, tốc độ tăng trưởng nhanh, năm sau luôn cao hơn năm trước. Tổng sản lượng khai thác thủy sản và doanh thu từ nghề cá không ngừng gia tăng. Năm 1994, sản lượng đánh bắt là 218 tấn, doanh thu 5,5 tỉ đồng; giai đoạn 2010-2015, sản lượng bình quân đạt hơn 9.916 tấn, doanh thu bình quân 442 tỷ đồng. Riêng năm 2022, sản lượng đánh bắt đạt 6.110 tấn, doanh thu đạt 460 tỷ đồng.

Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Cô Tô lần thứ VI, nhiệm kỳ 2020-2025 đã xác định: “Phát huy lợi thế các ngành kinh tế biển gắn với phát triển mạnh dịch vụ du lịch; xây dựng Cô Tô trở thành huyện đảo nông thôn mới kiểu mẫu, nhân dân khá giả, trung tâm du lịch biển, đảo chất lượng cao”. Ngày 12/1/2016, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 99/QĐ-UBND về việc công nhận 3 tuyến, 2 điểm du lịch trên địa bàn huyện Cô Tô, đây là một trong những cơ sở pháp lý để địa phương tập trung phát triển và khai thác lợi thế về biển.

Với định hướng phát triển nhất quán, du lịch Cô Tô đang có những bước phát triển khả quan. Lượng khách du lịch tới Cô Tô có xu hướng gia tăng về số lượng và chất lượng. Đặc biệt, lượng khách đến Cô Tô trong năm 2022 tăng cao với 215.000 lượt du khách, tổng doanh thu du lịch đạt trên 600 tỷ đồng; 5 tháng đầu năm 2023 đạt gần 100.000 lượt khách và cơ bản phục hồi về mức trước đại dịch Covid-19. Cô Tô hiện có 228 cơ sở lưu trú với công suất gần 3.000 phòng nghỉ; có 4 cơ sở đạt tiêu chuẩn 3 sao, 3 cơ sở tương đương 3 sao với hơn 450 phòng nghỉ, phần lớn là các cơ sở dân doanh. Chất lượng các cơ sở lưu trú được đánh giá còn hạn chế, hầu hết chưa được công nhận hay xếp hạng; chưa có những khu nghỉ dưỡng cao cấp đạt tiêu chuẩn đón khách chất lượng cao, có chi tiêu cao.

Dịch vụ, du lịch ngày càng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đóng góp tích cực vào phát triển KT-XH và thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế; chiếm trên 62% (năm 2022) cơ cấu kinh tế của huyện, đồng thời tạo ra sinh kế mới đem lại thu nhập tăng thêm, tạo việc làm và nâng cao mức sống, chất lượng cuộc sống của dân cư tại Cô Tô.

Bên cạnh những thế mạnh trong phát triển kinh tế biển, huyện Cô Tô cũng gặp phải một số khó khăn, thách thức cần sớm khắc phục.

Thứ nhất, hoạt động du lịch ở Cô Tô còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ và phân tán, chưa có các sản phẩm du lịch chủ lực, chưa có sự đầu tư đồng bộ với quy mô lớn vào hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ du lịch. Kết nối giao thông với đảo chủ yếu bằng đường thủy, thời gian đi lại kéo dài và thường bị tác động bởi gió, bão. Điều kiện thời tiết phân thành 2 mùa rõ rệt, do vậy, du lịch Cô Tô vẫn mang dáng dấp “một mùa” và thường chỉ kéo dài 4-5 tháng, điều này ảnh hưởng không nhỏ đến hiệu quả trong việc thu hút đầu tư và phát triển đồng bộ hệ thống hạ tầng.

Thứ hai, huyện đảo Cô Tô đã thực hiện nhiều đề án về phân loại, xử lý rác thải, nhất là rác thải nhựa và rác thải sinh hoạt để đảm bảo môi trường trong sạch, phù hợp với định hướng phát triển du lịch bền vững. Huyện đã đầu tư hệ thống lò đốt rác mới với công suất thiết kế 750 kg/giờ, xử lý được khoảng 70% lượng rác thải phát sinh trong ngày tại đảo Cô Tô lớn. Tuy nhiên, vì nằm gần điểm giao nhau của các dòng hải lưu, Cô Tô luôn chịu những cuộc “đổ bộ theo mùa” của rác thải từ đại dương, trong đó, các bãi biển Tình Yêu, Hồng Vàn bị rác “tấn công” nhiều nhất do nằm ở hướng Tây Nam và Đông Bắc của đảo, là nơi hứng gió và thủy triều lên. Chính vì thế, vấn đề môi trường, xử lý nước thải, rác thải vẫn là điểm nóng cần được quan tâm giải quyết, nhất là vào các mùa cao điểm đón khách du lịch.

Thứ ba, sau năm 1979, cư dân Cô Tô hầu hết là dân “kinh tế mới” được quần tụ từ 14 tỉnh ven biển trong cả nước; với đa dạng quê quán, vùng miền, rất nhiều người dân Cô Tô vẫn còn gìn giữ những nét bản sắc văn hóa của cố hương. Điều này tạo ra thách thức trong việc xây dựng, kiến tạo và hình thành mẫu số văn hóa chung của huyện đảo Cô Tô, khiến huyện đảo gặp khó khăn trong việc thiết lập các lễ hội truyền thống mang tính đại diện và các sản phẩm du lịch chủ lực nhất là du lịch văn hóa, tâm linh.

Phát triển bền vững kinh tế biển

Thực tiễn cho thấy có quy hoạch tốt mới có dự án tốt, có dự án tốt mới có nhà đầu tư tốt, tỉnh Quảng Ninh và huyện Cô Tô cần có định hướng quy hoạch các phân khu, trong đó có các vùng bảo tồn sinh thái, vùng phát triển kinh tế và vùng dành cho QP-AN nhằm đảm bảo sự ổn định và cân bằng trong việc thúc đẩy phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc an ninh, quốc phòng; huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ ngân sách và xã hội hóa để phát triển hệ thống hạ tầng KT-XH, nhất là các hạ tầng công cộng; có cơ chế thu hút các doanh nghiệp, các tập đoàn có tiềm lực, có kinh nghiệm quản lí vận hành vào đầu tư phát triển đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ lĩnh vực giao thông, dịch vụ hậu cần nghề cá và dịch vụ, du lịch nghỉ dưỡng chất lượng cao; nghiên cứu, mở thêm phương thức kết nối giao thông đường không (thủy phi cơ, trực thăng) để đưa khách cao cấp ra Cô Tô.

Đảo Bồ Cát - đảo Trần Nhạn, nằm ở phía Đông đảo Trần.
Đảo Bồ Cát – đảo Trần Nhạn, nằm ở phía Đông đảo Trần.

Một mô hình phát triển kinh tế biển bền vững không thể chỉ dựa vào các chỉ số kinh tế, mà còn phụ thuộc vào mức độ cải thiện chất lượng cuộc sống sinh hoạt văn hóa, tinh thần của người dân. Vì vậy, giữ gìn, phát huy và kiến tạo nền văn hóa biển sao cho phù hợp, thích nghi với nhu cầu chuyển biến không ngừng theo sự vận động và phát triển của xã hội là mối quan hệ cơ bản cần được giải quyết một cách hài hòa để phát triển bền vững kinh tế biển. Do đó, huyện Cô Tô cần tập trung tới việc tôn tạo, phục dựng và thiết lập đa dạng các điểm sinh hoạt tâm linh, văn hóa; tìm hiểu về đặc trưng văn hóa ngư – nông kết hợp, để kiến tạo, phát triển các lễ hội văn hóa, các sản phẩm du lịch văn hóa đặc trưng, nhằm tạo môi trường tín ngưỡng, tôn giáo lành mạnh cho cư dân huyện đảo và đa dạng hóa các sản phẩm du lịch.

Thực tế cho thấy, chỉ có cộng đồng dân cư tham gia quản lý tài nguyên và môi trường biển, đảo, mới đảm bảo khai thác, sử dụng bền vững, hiệu quả tài nguyên, bảo tồn được sự đa dạng sinh học và bảo vệ môi trường. Huyện Cô Tô có thể học tập kinh nghiệm và triển khai một số mô hình cộng đồng tham gia bảo tồn và khai thác, sử dụng bền vững các hệ sinh thái biển được áp dụng thành công như: Mô hình quản lý rừng dừa nước ven sông Hoài, Khu bảo tồn biển Cù Lao Chàm (TP Hội An, tỉnh Quảng Nam); Khu bảo tồn biển Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi)…

Theo các nghiên cứu ở Việt Nam, đánh bắt quá mức, bằng các hình thức hủy diệt là nguyên nhân chính gây suy giảm, cạn kiệt nguồn lợi cá biển. Do đó, việc thực hiện tốt, hiệu quả các chính sách, quy định pháp luật về phát triển nghề cá bền vững; tập trung các giải pháp chống đánh bắt hủy diệt, trái phép, không khai báo và không đúng quy định (IUU fishing) là biện pháp cốt lõi để đảm bảo phát triển nghề cá bền vững. Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần mạnh dạn đề xuất với Chính phủ về triển khai thí điểm thực hiện chính sách quy định cấm đánh bắt có thời hạn tại các khu vực phù hợp theo thời gian, nhất là trong mùa sinh sản của các loài thủy sản, để hệ sinh thái biển có thời gian khôi phục, phục hồi, đồng thời xây dựng kế hoạch chuyển đổi, đảm bảo sinh kế cho ngư dân và nhân dân trong khu vực.

Để phát triển kinh tế biển, cần thiết phải tăng cường bảo vệ môi trường biển, chú trọng đảm bảo quản lý, xử lý tốt các nguồn thải từ bờ, giảm thiểu nguy cơ ô nhiễm từ các nguồn thải nguy hại như kim loại nặng, rác thải nhựa bằng cách sử dụng vật liệu thay thế thân thiện môi trường trong nuôi trồng thủy sản, hoặc áp dụng các công nghệ mới, tiên tiến nhằm giảm thiểu phát thải, giảm ô nhiễm môi trường, cũng như phân loại, thu gom, tái chế, tái sử dụng và xử lí hiệu quả rác thải, nước thải. Đảm bảo quyền sở hữu, sử dụng công cộng tại các bãi biển và các khu vực biển quan trọng để đảm bảo quyền tiếp cận của người dân với biển và sự liên tục của các hệ sinh thái từ dưới biển lên bờ. Thực hiện nghiêm chỉnh quy định của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo về việc thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển.

Cùng với đó, xây dựng các cơ chế tài chính sáng tạo để đảm bảo phát triển bền vững kinh tế, xóa đói giảm nghèo. Lượng giá các dịch vụ sinh thái biển và vùng bờ biển; sử dụng các công cụ tài chính để điều chỉnh một cách hiệu quả các hành vi khai thác tài nguyên, bảo vệ, bảo tồn môi trường và các hệ sinh thái biển. Hình thành và thúc đẩy sự liên kết, phối hợp, chia sẻ thông tin giữa các địa phương ven biển và các huyện đảo ngoài khơi, xa bờ có tính tương đồng trong bảo vệ môi trường biển; bảo vệ nguồn lợi thủy sản và hệ sinh thái biển.

Trong giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn đến 2045, dưới định hướng phát triển năng động, toàn diện của tỉnh, Cô Tô đang nỗ lực, phấn đấu, góp phần thực hiện mục tiêu chuyển dịch cơ cấu kinh tế từ “nâu” sang “xanh”, đảm bảo hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế với bảo tồn sinh học, bảo vệ môi trường và phát triển bền vững; quyết tâm thực hiện thành công mục tiêu kép là phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN, chủ quyền, biên giới, biển đảo.

Bởi vậy, các cấp, ngành cần tiếp tục quan tâm, có những chính sách ưu tiên cho việc đầu tư hạ tầng, các công trình lưỡng dụng phục vụ phát triển KT-XH và quốc phòng như cảng, bến kết nối các đảo; bến cất hạ cánh cho thủy phi cơ, trực thăng; các tuyến đường giao thông kết nối nội đảo; các công trình chống biến đổi khí hậu, nước biển dâng, chống xâm thực; các công trình xử lý nước thải, rác thải; xây dựng trung tâm cứu hộ cứu nạn; khu neo đậu tránh trú bão với cầu cảng vừa sử dụng lưỡng dùng cho tàu cá, vừa có thể sử dụng cho tàu khách; nghiên cứu thực hiện chính sách đặc thù để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, tăng quy mô dân số và đảm bảo sự ổn định, yên tâm cho công chức, viên chức ngành y tế, giáo dục; chế độ nhà công vụ cho cán bộ, chiến sĩ, viên chức nơi khác ra công tác tại đảo; chính sách cho ngư dân bám biển…

Theo ước tính của Bộ Công Thương, tỉnh Quảng Ninh có tới 250km đường biển, cùng hệ thống hạ tầng đấu nối, truyền tải điện tốt nhất cả nước là cơ sở để phát triển năng lượng điện gió trên đất liền và ngoài khơi, với khoảng 13.000MW dọc bờ biển, khoảng 2.300MW trên bờ, tập trung nhiều nhất ở đảo Cô Tô; định hướng đến năm 2030, sẽ phát triển nguồn điện gió trên bờ, gần bờ và ngoài khơi với tổng công suất bước đầu khoảng 2.500MW, trong đó điện gió ngoài khơi là 500MW tại Cô Tô.





Du thuyền 5 sao Hạ Long