“Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông…”

  • Home
  • “Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông…”
“Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông…”

“Nức tiếng Quỳnh Lâm cõi xứ Đông…”


Quỳnh Lâm là ngôi cổ tự nổi tiếng của Việt Nam, đã đi vào cả thơ ca xưa. Trong lịch sử tồn tại và phát triển hàng nghìn năm, chùa luôn giữ vai trò là một trung tâm Phật giáo lớn, là một thắng cảnh nổi tiếng của vùng đất xứ Đông…

Chùa Quỳnh Lâm đã hồi sinh sau nhiều thăng trầm lịch sử. 

Chùa Quỳnh Lâm được xây dựng ở sườn Tây Nam của một quả đồi thấp xưa gọi là núi Tiên Du, nay thuộc phường Tràng An, TX Đông Triều. Theo ghi chép, nghiên cứu của các nhà khoa học, chùa được xây dựng dưới thời Lý với các kiến trúc quy mô to lớn. Ngay từ khi ấy, Quỳnh Lâm đã nổi tiếng là một đại danh lam với tượng Phật Di Lặc lớn, tương truyền cao 6 trượng, 6 thước (khoảng 19,8m) và là một trong “An Nam tứ đại khí” (4 vật khí lớn của nước Nam, gồm tượng Di Lặc chùa Quỳnh, chuông Quy Điền chùa Diên Hựu (chùa Một Cột), tháp Báo Thiên và vạc dầu chùa Phổ Minh). Ngày nay, chùa vẫn còn lại tấm bia đá lớn được dựng vào thời Lý, cũng là một trong những tấm bia lớn nhất của thời Lý hiện còn. 

Vào các thời sau, Quỳnh Lâm vẫn có vai trò rất to lớn. Vào thời Trần, Quỳnh Lâm là tự viện lớn, nơi đào tạo tăng tài quan trọng bậc nhất của Thiền phái Trúc Lâm. Thời Lê, chùa cũng là nơi khởi nguồn cho phong trào phục hưng Phật giáo Trúc Lâm sau nhiều năm suy vi. Khi ấy, các vua Lê, chúa Trịnh đã không tiếc tiền của đầu tư phục hưng trung tâm phật giáo Quỳnh Lâm. Trải qua bao biến cố lịch sử, chùa đã trở thành phế tích vào khoảng giữa thế kỷ XX.

Ngôi tháp từng được Thiền sư Pháp Loa cho xây dựng để an trí xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông, đã được tôn tạo lại.

Gần đây nhất, chùa Quỳnh Lâm đã được trùng tu, tôn tạo lớn. Sau 5 năm thi công xây dựng, công trình đã cơ bản hoàn thiện và khánh thành vào cuối năm 2020, từ nguồn đầu tư, công đức của TX Đông Triều và huy động xã hội hoá của nhiều tập thể, cá nhân với tổng kinh phí khoảng 70 tỷ đồng.

Chùa hiện nay mang phong cách kiến trúc gỗ truyền thống thời Lê, các thành phần và mô típ trang trí bằng đất nung theo các mẫu gốc thời Trần, Lê trên các bờ mái, lan can, thềm… Gác chuông chùa Quỳnh Lâm vốn nổi danh xưa kia cũng được xây mới trên vị trí nền móng cũ, treo chiếc chuông bằng đồng lớn là di vật được đúc từ thời nhà Nguyễn khi trùng tu, tôn tạo chùa.

Hệ thống vườn tháp mộ lưu danh tên tuổi, công đức của các bậc tăng sĩ đạo cao đức trọng, gắn với lịch sử chùa, cũng được tôn tạo lại. Đặc biệt trong đó có ngôi tháp từng được Thiền sư Pháp Loa – vị tổ thứ hai của Thiền phái Trúc Lâm cho xây dựng, để an trí xá lị của Phật hoàng Trần Nhân Tông; và Tuệ đăng tháp là tháp mộ của thiền sư Chân Nguyên, người đã có công lớn trong việc trùng hưng lại chùa dưới thời Lê Trung hưng.

Kiến trúc bề thế, nguy nga của chùa Quỳnh Lâm.

Quỳnh Lâm tự hiện là ngôi chùa gỗ rất lớn ở Việt Nam. Chùa có quần thể kiến trúc trung tâm gồm 3 toà điện lớn rất bề thế, nguy nga, được dựng lại trên nền móng kiến trúc chùa thời Lê Trung hưng, với tổng diện tích hơn 1.000m2.

Ngôi điện lớn ngoài cùng là Thích Ca Phật điện, có hai cột gỗ ngọc am lớn rất quý, toả mùi thơm tự nhiên dễ chịu. Toà Di Lặc phật điện nằm ở giữa, hiện thờ Tam thế Phật là các vị Phật của 3 thời quá khứ, hiện tại và tương lai, với các đại biểu lần lượt là Phật A Di Đà, Phật Thích Ca Mâu Ni và Phật Di lặc. Qua nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, xuyên suốt chiều dài lịch sử của chùa, Phật Di Lặc luôn được xem là “Phật chủ” ở Quỳnh Lâm, được dựng tượng và xây các toà điện lớn để thờ phụng. Nằm ở phía sau cùng là Toà Lưu ly phật điện, có điểm nhấn chính là bức tượng Phật Thích Ca Mâu Ni bằng ngọc rất quý giá…

Tượng Phật ngọc Thích Ca Mâu Ni tại Toà Lưu ly phật điện chùa Quỳnh Lâm.

Những năm gần đây, chùa đã trở thành điểm đến chào đón bước chân du khách bốn phương. Lễ hội chùa Quỳnh Lâm tổ chức thường niên vào mùa xuân, sẽ diễn ra từ mùng 1-3 tháng hai âm lịch tới đây.





Du thuyền 5 sao Hạ Long