Phát triển Hạ Long thành trung tâm du lịch, dịch vụ mang tầm quốc tế

  • Home
  •  Phát triển Hạ Long thành trung tâm du lịch, dịch vụ mang tầm quốc tế
 Phát triển Hạ Long thành trung tâm du lịch, dịch vụ mang tầm quốc tế

 Phát triển Hạ Long thành trung tâm du lịch, dịch vụ mang tầm quốc tế


Những năm qua, du lịch Hạ Long từng bước khẳng định thương hiệu với nhiều sản phẩm độc đáo, góp phần hướng tới sự phát triển bền vững. Ngoài những sự kiện giao lưu văn hóa, du lịch, ấn tượng phải kể đến sự đột phá, hoàn thiện về hạ tầng phục vụ du lịch. Từ đây, đánh dấu bước phát triển mạnh mẽ, vươn tầm đẳng cấp quốc tế của du lịch Hạ Long.

Phố đêm du thuyền là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong thời gian tới.
Phố đêm du thuyền là sản phẩm du lịch mới hấp dẫn du khách trong thời gian tới.

Hiện TP Hạ Long đã đưa nhiều sản phẩm du lịch mới vào khai thác, tạo những ấn tượng tích cực trong lòng du khách. Có thể kể đến như sản phẩm “Phố đêm du thuyền” tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long của Tập đoàn Sun Group; các tàu nhà hàng đẳng cấp 5 sao (Sea Octopus, Ambassador Cruise); sân golf Tuần Châu; đồi Mặt trời, show “Đêm nhạc trên thông”… và đang nghiên cứu tổ chức các show ca nhạc trên du thuyền, tàu nhà hàng hạng sang.

Cùng với đó, dịch vụ khai thác tài nguyên thiên nhiên hùng vĩ, bản sắc văn hoá vùng cao, sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, khám phá, trải nghiệm tại thôn Khe Phương (xã Kỳ Thượng); khu vực thôn Đồng Đặng (xã Sơn Dương); vườn hoa Hạ Long (phường Việt Hưng) cũng đang được đầu tư, mang đến trải nghiệm đa dạng cho du khách.

Đến nay, thành phố có 5 tuyến du lịch trên bờ và 5 tuyến du lịch trên vịnh, với 37 điểm du lịch đã được UBND tỉnh công nhận. Các điểm đến luôn được quan tâm đầu tư, nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng dịch vụ; kết nối giữa các điểm trong tuyến tham quan. Thành phố cũng quan tâm đến hạ tầng cơ sở phục vụ du lịch, lắp đặt 123 điểm wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch và địa bàn các xã; phối hợp với các đơn vị viễn thông đẩy mạnh đầu tư lắp đặt trạm BTS. Trên địa bàn thành phố hiện có 670 cơ sở lưu trú du lịch các loại; 5 bãi tắm đạt tiêu chuẩn đảm bảo phục vụ nhu cầu của người dân và khách du lịch.

Du khách chơi golf hài lòng với chất lượng và dịch vụ tại sân Tuần Châu (TP Hạ Long).
Du khách chơi golf hài lòng với chất lượng và dịch vụ tại sân Tuần Châu (TP Hạ Long).

Ngoài ra, tỉnh và thành phố còn tập trung nguồn lực đầu tư, hoàn thiện hạ tầng giao thông thiết yếu, như: Cầu Tình Yêu, đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả; cao tốc Hạ Long – Vân Đồn – Móng Cái; đẩy nhanh tiến độ các dự án giao thông trọng điểm, động lực, để tăng tính kết nối vùng, liên vùng. Cùng với đó, nâng cao công tác quản lý nhà nước gắn với việc bảo tồn, phát huy giá trị bền vững Di sản – Kỳ quan thiên nhiên thế giới vịnh Hạ Long, Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn – Kỳ Thượng.

Để đảm bảo môi trường kinh doanh dịch vụ du lịch, từ năm 2020 đến nay, các đoàn liên ngành của thành phố đã kiểm tra, xử lý 33 cơ sở, xử phạt 5 cơ sở; tiếp nhận và xử lý 376 trường hợp thông qua đường dây nóng du lịch đảm bảo ANTT, PCCN; triển khai Bộ quy tắc ứng xử trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, Bộ quy tắc ứng xử “Văn minh du lịch”, Bộ quy tắc ứng xử “Nụ cười Hạ Long”.

Tổng khách du lịch đến Hạ Long từ tháng 6/2020 đến hết quý I/2023 đạt 13,23 triệu lượt, trong đó khách quốc tế là 749.400 lượt. Nhất là sau khi mở cửa dịch vụ, du lịch trở lại (từ 15/3/2022), khách du lịch nội địa đến thành phố tăng nhanh chóng. Tổng thu từ hoạt động du lịch đạt 24.456 tỷ đồng; sức chi tiêu của du khách đạt 2,1 triệu đồng/người (năm 2022), tăng 100.000 đồng so với năm 2020.

Được biết, thành phố đã triển khai Đề án phát triển du lịch TP Hạ Long đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030. Mục tiêu phấn đấu năm 2025 thành phố đón 17 triệu lượt khách, trong đó có 7,5 triệu lượt khách quốc tế. Theo đó, thành phố tiếp tục mở rộng không gian du lịch về phía Đông (trọng tâm tại các phường Hồng Gai, Bạch Đằng, Hồng Hải, Hồng Hà). Đồng thời, khai thác những lợi thế về thiên nhiên, di tích lịch sử, văn hoá, thiết chế văn hoá có sẵn, như: Bãi tắm Hòn Gai, hồ Hải Thịnh, đường bao biển Trần Quốc Nghiễn; mở lại hoạt động leo núi Bài Thơ, thiết kế xây dựng một số điểm chụp ảnh… nhằm khai thác hiệu quả tuyến tham quan số 1 trên địa bàn.

Ngoài ra, thành phố cũng khuyến khích và tạo điều kiện cho doanh nghiệp nghiên cứu, đề xuất, báo cáo UBND tỉnh để xem xét, cấp vùng hoạt động một số sản phẩm du lịch mới gắn với vịnh Hạ Long như: Chèo thuyền kayak, chèo SUP, đua thuyền buồm, mô tô nước, dù bay. Nghiên cứu, xây dựng dự thảo Đề án phát triển kinh tế đêm tại các phường Tuần Châu, Bãi Cháy; tiếp tục phát triển và nâng cao chất lượng một số dịch vụ kinh tế đêm như: Khu ẩm thực, chợ đêm, khu phố cổ, các bar, pub bãi biển ở Công viên Đại Dương; khu Marine của BIM Group; khu vực Cảng tàu quốc tế Tuần Châu.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tuấn, Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin TP Hạ Long, không chỉ quan tâm đầu tư, xây dựng các sản phẩm du lịch mới, thành phố còn tích cực đẩy mạnh các hoạt động truyền thông, quảng bá Hạ Long – Điểm đến thân thiện – an toàn – mến khách, danh hiệu Hạ Long – Thành phố du lịch sạch ASEAN, vịnh Hạ Long – Điểm đến du lịch hàng đầu châu Á thông qua việc tổ chức thành công nhiều sự kiện văn hóa, thể thao quy mô lớn. Có thể kể đến các sự kiện đã tạo nên thương hiệu của du lịch Hạ Long, như: Carnaval Hạ Long mùa hè, Carnaval mùa đông; tổ chức thành công các môn thi đấu SEA Games 31, Đại hội thể thao toàn quốc… Thành phố cũng đã ban hành cuốn cẩm nang du lịch; clip quảng bá du lịch Hạ Long được tích hợp trên ứng dụng Smart Hạ Long và nền tảng mạng xã hội. Cùng với đó, tích cực tham gia các hội thảo, tọa đàm du lịch do tỉnh, các địa phương trong nước và quốc tế tổ chức; chủ động kết nối, hợp tác trong phát triển du lịch với những địa phương có thế mạnh và tiềm năng.





Du thuyền 5 sao Hạ Long