Phố đi bộ – Nhìn từ kinh nghiệm của những địa phương đi trước

  • Home
  • Phố đi bộ – Nhìn từ kinh nghiệm của những địa phương đi trước
Phố đi bộ – Nhìn từ kinh nghiệm của những địa phương đi trước

Phố đi bộ – Nhìn từ kinh nghiệm của những địa phương đi trước


Làm thế nào để các tuyến phố đi bộ không chỉ là tuyến phố đi bộ mà còn là không gian sáng tạo cộng đồng, không gian văn hóa là bài toán không hề dễ dàng có lời giải. Trông người mà ngẫm đến ta, những kinh nghiệm triển khai phố đi bộ ở các nơi là bài học quý cho Quảng Ninh có thể học hỏi để phát triển mô hình này. 

Hà Nội đang dẫn đầu cả nước trong xu thế xây dựng các tuyến phố đi bộ thành điểm đến du lịch với nhiều hoạt động vui chơi, giải trí hấp dẫn dành cho du khách và người dân. Tuy nhiên, trừ phố đi bộ Hồ Gươm phần nào đã đạt được kỳ vọng ở cả khía cạnh kinh tế và không gian văn hóa, thì tại các khu vực khác vẫn chỉ dừng ở mức thỏa mãn sự tò mò của người dân và du khách. 

TP Hồ Chí Minh thành công với phố đi bộ Nguyễn Huệ thuộc phường Bến Nghé, Quận 1, là tuyến phố đi bộ kết hợp giao thông hiện đại nhất Việt Nam. Đường Nguyễn Huệ được nâng cấp, cải tạo thành phố đi bộ có chiều dài 670m, rộng hơn 60m, gồm hai phần với điểm nối là vòng xoay Cây Liễu. Phần công viên đặt tượng đài Bác Hồ tư thế hướng mặt về sông Sài Gòn. Phía sau tượng đài Bác Hồ là tấm bia ghi sự kiện Uỷ ban Hành chính lâm thời Nam Bộ, công viên được bố trí hồ sen, hai hàng sứ trắng cùng nhiều hoa, cây cảnh rực rỡ sắc màu. Trên các hàng cây, có hệ thống phun sương để làm mát không khí, ngăn bụi và tạo độ ẩm cho cây phát triển. Quảng trường còn được lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng nghệ thuật, nhạc nước hiện đại. Hai khu tầng hầm bố trí trung tâm giám sát và điều khiển hệ thống camera, chiếu sáng, nhạc nước, nhà vệ sinh công cộng, wifi miễn phí… Phố đi bộ Nguyễn Huệ là nơi tổ chức các buổi diễu hành, mít tinh, lễ hội đường phố, đường hoa, hoạt động triển lãm văn hóa, thể thao, biểu diễn nghệ thuật… 

Thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam cũng tổ chức rất thành công phố đi bộ Nguyễn Phúc Chu. Đây là con đường nằm ở bờ nam sông Hoài, nhìn sang khu phố cổ, chạy dọc theo công viên vườn tượng Hội An, thu hút rất đông du khách. Khi dạo bước trên phố này, ngoài việc chiêm ngưỡng các tác phẩm điêu khắc, ngắm sông Hoài, du khách còn được thưởng thức và trải nghiệm các hoạt động văn hóa, văn nghệ, trò chơi dân gian, sinh hoạt cộng đồng, mua sắm hàng thủ công mỹ nghệ… Hội An cũng tổ chức một quầy vé tham quan phục vụ, cung cấp thông tin, bố trí chỗ gửi xe cho du khách một cách chu đáo. Đến nay, phố đi bộ đã trở thành sản phẩm đặc trưng, góp phần rất lớn trong công tác quảng bá văn hoá du lịch.

Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: www.sggp.org.vn.
Phố đi bộ Nguyễn Huệ. Ảnh: www.sggp.org.vn.

Nhìn ra thế giới, tại Côn Minh, Vân Nam, Trung Quốc có tuyến phố đi bộ Nanping hay còn gọi là phố kinh doanh (Nanping business street) là nơi tập hợp của rất nhiều trung tâm thương mại lớn, khu mua sắm, nhà hàng, cửa hàng lưu niệm v.v.. Khu phố được tu sửa và kết hợp giữa truyền thống và hiện đại, bên cạnh những tòa ốc cao tầng tráng gương là những nhà hàng phong cách Trung Hoa làm cho khung cảnh xung quanh cũng trở nên thu hút và đẹp đẽ hơn nhiều. Phố đi bộ Nanping thu hút nhiều khách du lịch từ khắp nơi ghé thăm. Du khách đến đây có thể đi thật chậm để ngắm nhìn thành phố được rõ hơn, để có thể ghé thăm bất cứ hàng quán nào nếu muốn dừng chân.

Nhìn nhận về hướng phát triển các không gian phố đi bộ nhiều chuyên gia nhận định, trước hết cần xác định rõ phương hướng phát triển để từ đó thiết kế đô thị, tạo được cảnh quan. Phố đi bộ có thể kết nối nhiều không gian công cộng của một khu vực cũng như xâu chuỗi nhiều loại hình văn hóa cộng đồng với nhau.

Tiến sĩ Trần Nhuận Vinh, chủ của chuỗi cà phê Nam Phong, cựu du học sinh Trung Quốc, cho rằng, phố đi bộ đúng nghĩa, cần phải là một con phố thu hút rất đông người có nhu cầu vào đó, ăn uống, mua sắm, vui chơi… Miễn là rất nhiều người có nhu cầu vào con phố đó. Có cấm thì người ta vẫn chen nhau vào đó. Chính quyền địa phương thấy vậy mới quy hoạch một khu đỗ xe, để khách vào con đường đó, phải đỗ xe bên ngoài, rồi đi bộ vào trong phố đó sử dụng dịch vụ. Chính quyền địa phương thực hiện đúng vai trò, để đảm bảo an ninh và không ùn tắc, mới bắt đầu phân luồng để xe không đi qua phố đó, chặn bằng các dải phân cách mềm, tiện cho người đi bộ bước qua, nhưng xe không qua được nữa. Lúc này, chính quyền sẽ lát đá lên con đường để biến con đường đó trở thành điểm đến, là sản phẩm thu hút khách du lịch và người dân đến mua sắm, và các kiến trúc bề ngoài của những ngôi nhà cũng thay đổi theo con đường khi được lát đá như sân nhà vậy. Như vậy, phố đi bộ được hình thành.

Cũng theo Tiến sĩ Trần Nhuận Vinh, cần vận động các nhà dân trong con phố tự mở các sản phẩm dịch vụ hoặc cho thuê trong căn nhà họ đang ở, biến mỗi căn nhà là một điểm dịch vụ có sự thu hút và tính hấp dẫn riêng. Khi nhà nước có dự kiến quy hoạch làm phố đi bộ, trước tiên nên quy hoặc cấp thoát nước, chỗ để rác và quy phạm các sản phẩm kinh doanh trong con phố đó. Có thể, hỗ trợ kinh phí cho các gia đình tự kinh doanh hay cho thuê, để khuyến khích nhiều sản phẩm dịch vụ mở ra. Địa phương sẽ lập tổ an ninh, cho phép hàng quán mở 24/24h mà khách hàng vẫn an tâm, có các dịch vụ trông xe 24/24h, và quan trọng hơn, vẫn là giải pháp đỗ xe. Địa phương và các hộ dân cùng quảng bá sản phẩm, dịch vụ, để con phố trở thành điểm đến. 





Du thuyền 5 sao Hạ Long