Thúc đẩy phát triển du lịch ở Hải Sơn
Hải Sơn là xã vùng cao biên giới của Quảng Ninh có nhiều đồng bào dân tộc thiểu số cùng sinh sống, có nền văn hóa phong phú, giàu bản sắc. Do đó, địa phương xác định lấy du lịch cộng đồng làm nền tảng cho việc bảo tồn văn hóa, đồng thời lấy bảo tồn văn hóa để làm du lịch cộng đồng.

Trên địa bàn xã Hải Sơn có nhiều địa điểm hấp dẫn như: Đỉnh Pa Nai, đỉnh Mã Thàu Sơn, đồi sim Mã Thàu Sơn, thác suối 72 gian và đặc biệt có Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, Mốc 1.347, làng bích họa xóm họ Đặng, Phình Hồ lung linh huyền ảo… Đây là tiềm năng, lợi thế rất lớn để Hải Sơn khai thác và phát triển du lịch tâm linh, du lịch cộng đồng, hay du lịch trải nghiệm.
Xác định điều kiện địa lý nói trên là thế mạnh, xã Hải Sơn đã nỗ lực phát huy giá trị bản sắc văn hóa truyền thống của đồng bào DTTS. Người dân ở Hải Sơn đang tích cực phát triển du lịch cộng đồng để vừa nâng cao thu nhập, vừa bảo tồn, phát huy nét văn hóa truyền thống của dân tộc, qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.
Theo đó, xã đã huy động nguồn lực tạo bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển nhanh, bền vững; đẩy mạnh phát triển nông, lâm nghiệp gắn với phát triển du lịch, dịch vụ, nâng dần tỷ trọng ngành thương mại, dịch vụ và du lịch trong cơ cấu kinh tế; đẩy mạnh công tác quảng bá, thu hút đầu tư phát triển du lịch trên địa bàn; từng bước phát triển, khai thác sản phẩm du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm, du lịch miền núi biên giới mang đặc trưng của địa phương. Xã cũng duy trì hoạt động hiệu quả các fanpage quảng bá du lịch; tận dụng tối đa nền tảng mạng xã hội facebook, zalo… để kết nối, cung cấp thông tin kịp thời cho các đơn vị truyền thông trong và ngoài tỉnh đưa tin, giới thiệu, quảng bá hoạt động du lịch của địa phương.
Trong 4 năm gần đây, vào dịp khởi đầu cho du lịch hè, ngay từ tháng 5, xã Hải Sơn đều tổ chức Lễ hội Hoa sim biên giới. Trung tuần tháng 5 vừa qua, xã đã tổ chức Lễ hội Hoa sim biên giới 2025 với chủ đề “Sắc tím biên cương – Kết nối di sản”, với nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao, du lịch đặc sắc, hấp dẫn, mang đặc trưng văn hóa dân tộc truyền thống của cộng đồng dân tộc ở địa phương. Tiêu biểu có thể kể đến như: Giải “Harf Marathon 2025”; giới thiệu sản phẩm, sản vật, ẩm thực đặc sắc của vùng miền núi Hải Sơn; các hoạt động giao lưu thể thao và các trò chơi dân gian (thi trang điểm trang phục cô dâu dân tộc Dao, Sán Chỉ, thi giã bánh dày); giao lưu đánh quay nam, nữ với xã Hoành Mô, xã Tiên Yên; lày cỏ (sái mả) với xã Điền Xá; giao lưu bóng đá nữ, thi ném còn, bịt mắt bắt vịt, bịt mắt vồ bưởi, đi cầu khỉ, đập niêu, leo thân chuối; giao lưu ẩm thực mẹt Hải Sơn; các hoạt động trải nghiệm và tham quan các điểm du lịch cộng đồng Hải Sơn (Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn, làng bích họa xóm họ Đặng, núi Panai, Mã Thầu Sơn…).
Trong 2 ngày tổ chức lễ hội đã thu hút khoảng 10.000 lượt du khách và nhân dân tham gia. 6 tháng đầu năm 2025 lượng du khách đến với Hải Sơn đạt trên 106.000 người.

Song song với đó, xã Hải Sơn đẩy mạnh các hoạt động văn hóa, thể thao, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh; thực hiện hiệu quả phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, từng bước xóa bỏ những tập tục lạc hậu, giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa, phong tục truyền thống tốt đẹp của các dân tộc trên địa bàn; học tiếng Dao, hát soóng cọ, các bài thuốc của người Dao, Sán Chay; mặc trang phục của dân tộc trong các ngày lễ, Tết…
Nhờ phát triển du lịch cộng đồng, chất lượng cuộc sống của người dân vùng đồng bào DTTS ở Hải Sơn được cải thiện rõ rệt. Người dân dần tự ý thức việc bảo vệ môi trường sống, tự cải tạo cho ngôi nhà của gia đình, đường làng, ngõ xóm thêm sạch đẹp hơn; tích cực gìn giữ, bảo vệ bản sắc văn hóa, nghề truyền thống của dân tộc.
Hiện xã Hải Sơn đang xây dựng để trở thành địa điểm du lịch có thương hiệu, với nhiều sản phẩm, loại hình du lịch đa dạng, gắn với du lịch cộng đồng, mang đậm bản sắc của một địa phương biên giới, miền núi nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc. Mục tiêu đến năm 2030, ngành du lịch thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, là nền tảng, động lực cho tăng trưởng, phát triển bền vững của địa phương; lao động ngành dịch vụ, du lịch chiếm tỷ trọng 35-40% trong cơ cấu lao động của xã; nguồn thu từ hoạt động dịch vụ, du lịch là nguồn thu nhập chính của người dân trên địa bàn (chiếm trên 50% thu nhập).
Theo đó, xã sẽ tập trung xây dựng, phát triển văn hóa địa phương đa dạng, giàu bản sắc, gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trên cơ sở kết hợp hài hoà các giá trị đặc trưng của Quảng Ninh: “Thiên nhiên tươi đẹp – Văn hóa đặc sắc – Xã hội văn minh – Hành chính minh bạch – Kinh tế phát triển – Nhân dân hạnh phúc” để văn hóa, con người Hải Sơn thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, nguồn lực và động lực cho phát triển nhanh, bền vững.
Thái Cảnh