“Quảng Ninh là địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch rất cao”

  • Home
  • “Quảng Ninh là địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch rất cao”
“Quảng Ninh là địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch rất cao”

“Quảng Ninh là địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch rất cao”


Trong thời gian qua, hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Quảng Ninh, Việt Nam) – Đông Hưng (Quảng Tây, Trung Quốc) đã đạt được những kết quả quan trọng. Một số nội dung hợp tác thực chất, có tính khả thi, phù hợp với yêu cầu phát triển và tiềm năng, lợi thế của hai bên trong phát triển, trao đổi khách du lịch đã được đề xuất đem lại hướng đi mới cho ngành du lịch.

Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh.
Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam Nguyễn Trùng Khánh.

Nhân dịp Cục trưởng Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Trùng Khánh dự Diễn đàn du lịch trong Hội chợ Thương mại – Du lịch quốc tế Việt – Trung lần thứ 15 năm 2023, phóng viên Trung tâm Truyền thông tỉnh đã có cuộc phỏng vấn ông.

 – Ông đánh giá như thế nào về Diễn đàn du lịch vừa được tổ chức tại Móng Cái, thưa Cục trưởng?

+ Tôi hoan nghênh Diễn đàn thúc đẩy hoạt động du lịch biên giới qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng được tổ chức trong khuôn khổ Hội chợ Thương mại – Du lịch quốc tế Việt – Trung năm 2023. Đây là một trong những sự kiện đối ngoại kinh tế thiết thực chào mừng kỷ niệm 15 năm thiết lập quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

Diễn đàn đã tập trung trao đổi, thảo luận những khó khăn, thách thức, làm rõ và thống nhất nhận thức chung, định hướng, kế hoạch hợp tác, các giải pháp trọng tâm nhằm thúc đẩy, triển khai thực hiện chính sách, hoạt động hợp tác cùng có lợi, tuân thủ luật pháp quốc tế và quốc gia giữa hai địa phương Quảng Ninh – Móng Cái và Quảng Tây – Đông Hưng theo tinh thần Kế hoạch hợp tác văn hóa và du lịch giai đoạn 2023-2027 cấp Bộ đã được ký kết giữa hai bên.

Diễn đàn quan trọng đánh giá nhìn nhận những cơ hội hợp tác xây dựng các khuôn khổ pháp lý có thống nhất về quản lý kinh doanh đưa đón khách du lịch và quản lý dịch vụ giữa hai bên. Đồng thời, thông qua hoạt động kiến nghị cơ chế hợp tác mới định hướng phát triển trong tương lai. 

– Thưa Cục trưởng, dư địa để phát triển du lịch qua lại giữa hai nước được đánh giá như thế nào?

+ Việt Nam và Trung Quốc có chung biên giới cả đường bộ, đường không và đường biển, rất thuận lợi cho hợp tác du lịch, trao đổi khách giữa hai nước. Việt Nam sở hữu tài nguyên du lịch phong phú, đa dạng, đặc biệt là bờ biển trải dài hơn 3.200km với nhiều bãi biển đẹp từ Bắc tới Nam, có sức hấp dẫn lớn khách du lịch quốc tế nói chung và khách Trung Quốc nói riêng. Trung Quốc, với bề dày văn hóa và lịch sử lâu đời, phong tục tập quán tương đồng cũng có sức hút đặc biệt đối với du khách Việt Nam.

Đại diện một công ty lữ hành Việt Nam nêu những ý kiến trao đổi tại Diễn đàn.
Đại diện một công ty lữ hành Việt Nam nêu những ý kiến trao đổi tại Diễn đàn.

Trước dịch Covid-19, Trung Quốc luôn là thị trường có nguồn khách lớn nhất của Việt Nam, chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Đây là một trong những thị trường khách rất quan trọng của chúng ta. Năm 2019, Việt Nam đón hơn 5,8 triệu lượt khách du lịch Trung Quốc. Ngược lại, Việt Nam cũng là một trong 5 thị trường nước ngoài gửi nhiều khách nhất đến Trung Quốc. Theo số liệu của Bộ Văn hóa và Du lịch Trung Quốc, năm 2019 có hơn 7,9 triệu lượt khách Việt Nam đến Trung Quốc.

Sau khi mở lại hoàn toàn hoạt động du lịch từ ngày 15/3/2022, Việt Nam đã thực hiện hàng loạt biện pháp đẩy mạnh thu hút khách du lịch như cải thiện chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh, tăng cường xúc tiến quảng bá… Kể từ ngày 15/8/2023, Việt Nam áp dụng cấp thị thực điện tử cho công dân tất cả các nước đến Việt Nam, trong đó có công dân Trung Quốc.

Việt Nam cũng nằm trong danh sách các điểm đến áp dụng thí điểm khôi phục hoạt động du lịch ra nước ngoài của Trung Quốc. Nhờ đó, trong 11 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 11,2 triệu lượt, trong đó khách du lịch Trung Quốc đạt hơn 1,5 triệu lượt.

– Ngành du lịch đã có sự quan tâm như thế nào đến vấn đề hợp tác du lịch qua cặp cửa khẩu quốc tế Móng Cái – Đông Hưng, thưa Cục trưởng?

+ Đảng và Nhà nước Việt Nam hết sức quan tâm và đã có nhiều chủ trương, chính sách tạo điều kiện cho các địa phương khu vực phía Bắc phát triển, tăng cường hợp tác với các địa phương của Trung Quốc, trong đó có hợp tác và phát triển du lịch qua biên giới. Với đặc trưng gần gũi về địa lý, hợp tác giữa tỉnh Quảng Ninh – Móng Cái và Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây – Đông Hưng đã hình thành, phát triển trên nền tảng tình hữu nghị truyền thống, gắn bó lâu đời giữa nhân dân hai bên và không ngừng được củng cố, vun đắp bởi các thế hệ lãnh đạo hai địa phương và hai nước. Thời gian qua, hợp tác du lịch giữa hai địa phương đã có đóng góp tích cực đối với việc thúc đẩy hợp tác du lịch, trao đổi khách giữa hai nước, góp phần nâng cao đời sống nhân dân, củng cố đường biên giới hòa bình, hữu nghị.  

Chúng tôi sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp cùng với Bộ Ngoại giao triển khai các mô hình hợp tác giao lưu nhân dân, phối hợp các địa phương giáp biên giới Trung Quốc có những mô hình phát triển du lịch. Về phần mình, mỗi địa phương giáp biên lại có những mô hình riêng để thúc đẩy du lịch.

Chúng tôi cũng sẽ tham mưu cho lãnh đạo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch làm việc với Bộ Văn hoá và Du lịch Trung Quốc thúc đẩy du lịch các địa phương biên giới, kịp thời nắm bắt nhu cầu hai bên đảm bảo chất lượng dịch vụ, nắm bắt thông tin, phối hợp quản lý đảm bảo an ninh, an toàn cho du khách và kiến nghị đề xuất với chính phủ hai bên có những chính sách hỗ trợ phát triển du lịch và giao lưu nhân dân.

– Cục trưởng đánh giá như thế nào về sự phát triển của du lịch Quảng Ninh trong thời gian qua?

+ Quảng Ninh là một trong những trung tâm du lịch lớn của cả nước. Thời gian vừa qua, cùng với việc hoàn thiện cơ sở vật chất kỹ thuật, cơ sở hạ tầng của xã hội nói chung, trong đó các doanh nghiệp du lịch của địa phương đã có nhiều nỗ lực kết nối thị trường và triển khai nhiều hoạt động xúc tiến du lịch quảng bá xây dựng sản phẩm mới. Quảng Ninh cũng có nhiều cơ chế chính sách hỗ trợ cho hoạt động du lịch phát triển, các doanh nghiệp du lịch quay trở lại hoạt động sau dịch Covid-19.

Chính vì vậy, trong thời gian vừa qua, Quảng Ninh là một trong những địa phương có tốc độ tăng trưởng du lịch rất cao. Cụ thể, Quảng Ninh đã đạt mục tiêu đón 15 triệu lượt khách, trong đó có trên 2 triệu lượt khách quốc tế. Và với mục tiêu đó, Quảng Ninh đã vượt so với năm 2022 khoảng 43%. Đây là tín hiệu rất đáng mừng thể hiện nỗ lực của tỉnh và các doanh nghiệp du lịch địa phương trong việc kết nối lại thị trường, xúc tiến quảng bá và triển khai nhiều hoạt động làm mới môi trường du lịch địa phương.

Du khách Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Du khách Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.
Du khách Trung Quốc nhập cảnh qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

– Theo Cục trưởng, Quảng Ninh cần làm gì để thúc đẩy hợp tác du lịch với nước bạn?

+ Thời gian tới, để thúc đẩy các hoạt động hợp tác du lịch chặt chẽ, hiệu quả, toàn diện hơn, Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam đề nghị các địa phương quyết tâm, chủ động và sáng tạo hơn nữa để cụ thể hóa, thực hiện tốt các thỏa thuận cấp cao trong lĩnh vực du lịch. Chú trọng nâng cao hiệu quả các cơ chế hợp tác hiện có, đồng thời cùng nghiên cứu, trao đổi để thiết lập các mô hình hợp tác mới phù hợp với tiềm năng, lợi thế, điều kiện và ưu tiên phát triển của mỗi địa phương và mỗi nước, nhằm tạo ra đột phá trong hợp tác phát triển du lịch.

Hai là, tăng cường phối hợp chặt chẽ, kịp thời trong việc trao đổi thông tin, dự báo thị trường, đặc biệt là những quy định pháp luật, chính sách của hai địa phương và hai nước liên quan đến hoạt động du lịch. Thúc đẩy tăng trưởng trao đổi khách bền vững, đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh đối với doanh nghiệp hai bên, môi trường an toàn, thân thiện và chất lượng dịch vụ đối với khách du lịch.

Ba là, tạo thuận lợi hơn nữa về cơ chế, chính sách, thủ tục xuất nhập cảnh đối với hoạt động du lịch qua biên giới của nhân dân hai bên. Đẩy nhanh việc mở mới, nâng cấp một số cửa khẩu phù hợp với quy hoạch, kế hoạch phát triển cho từng thời kỳ.

Bốn là, khuyến khích hình thành các liên minh kích cầu giữa doanh nghiệp du lịch hai bên, xây dựng các tour, tuyến du lịch kết nối hai địa phương, hai nước, chủ động triển khai các chương trình khảo sát, xúc tiến, quảng bá điểm đến…

Thêm nữa cần nghiên cứu đề xuất xây dựng cơ chế quản lý chung giữa hai nước đối với hoạt động kinh doanh đón khách du lịch đường bộ qua các cửa khẩu biên giới Việt Nam – Trung Quốc, chương trình du lịch biên giới hợp tác, liên kết với tỉnh Quảng Tây, khai thác tốt lợi thế là cầu nối giữa nội địa Trung Quốc với Việt Nam và khu vực Đông Nam Á bằng đường bộ.

Dù còn nhiều việc phải làm, có những khó khăn, thách thức phải vượt qua, song chúng ta tin tưởng rằng, với tinh thần đổi mới, hợp tác cùng phát triển, quan hệ hợp tác du lịch giữa hai địa phương Quảng Ninh – Móng Cái và Quảng Tây – Đông Hưng cũng như giữa hai nước Việt Nam – Trung Quốc có cơ sở vững chắc và đang đứng trước những cơ hội lớn để thúc đẩy mạnh mẽ, góp phần củng cố, làm sâu sắc hơn quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc.

– Cảm ơn Cục trưởng đã trả lời phỏng vấn!





Du thuyền 5 sao Hạ Long