Khi trái tim yêu nước dẫn lối hành trình du lịch

  • Home
  • Khi trái tim yêu nước dẫn lối hành trình du lịch
Khi trái tim yêu nước dẫn lối hành trình du lịch

Khi trái tim yêu nước dẫn lối hành trình du lịch


“Du lịch yêu nước” đang trở thành một xu hướng du lịch mới mẻ, cuốn hút, xuất phát từ chính nhu cầu được tri ân và kết nối với truyền thống. Không đơn thuần là hành trình khám phá danh lam thắng cảnh hay nghỉ dưỡng, “du lịch yêu nước” là sự trở về với cội nguồn, là cách thế hệ hôm nay tìm lại những ký ức lịch sử, tôn vinh những giá trị văn hóa dân tộc và thắp lên niềm tự hào thiêng liêng về Tổ quốc. Trong bối cảnh mới, khi nhu cầu trải nghiệm kết hợp với giá trị tinh thần ngày càng gia tăng, việc phát triển xu hướng “du lịch yêu nước” đang mở ra một hướng đi đầy tiềm năng cho ngành Du lịch cả nước nói chung và của Quảng Ninh nói riêng.

Mỗi hành trình là một lời tri ân đất nước

Chúng ta vừa đi qua dịp đại lễ 30/4-1/5/2025 kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước trong một bầu không khí thật đặc biệt, thiêng liêng và xúc động. TP Hồ Chí Minh những ngày tháng 4 lịch sử đã trở thành điểm hẹn của hàng triệu trái tim Việt Nam từ khắp mọi miền Tổ quốc. Người người đổ về đây không chỉ để chứng kiến những khoảnh khắc lịch sử được tái hiện, mà còn để được sống lại không khí hào hùng, thể hiện niềm tự hào dân tộc lớn lao. Dễ dàng nhận thấy, người Việt đi du lịch không đơn thuần để nghỉ ngơi hay khám phá danh thắng mà để hành hương về với lịch sử, mong muốn tìm lại mạch nguồn của dân tộc, cảm nhận rõ hơn giá trị của hòa bình đã được đánh đổi bằng máu xương và sự hy sinh anh dũng của lớp lớp cha ông.

Tại TP Hồ Chí Minh rất đông du khách đến tham quan Dinh Độc Lập dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Ảnh: Internet
Rất đông du khách đến tham quan dinh Độc Lập dịp nghỉ lễ 30/4-1/5 vừa qua. Ảnh: Internet

Thống kê từ Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh, trong 5 ngày nghỉ lễ, từ ngày 27/4 đến 1/5, lượng khách đến tham quan, du lịch tại thành phố ước đạt gần 2 triệu lượt, tăng 101,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Theo Tiến sĩ Trịnh Lê Anh, Trưởng bộ môn Quản trị sự kiện, khoa Du lịch học, trường Đại học KHXH&NV (Đại học Quốc gia Hà Nội), lễ kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước tại TP Hồ Chí Minh là minh chứng sức hút của du lịch lịch sử kết hợp sự kiện quốc gia, cho thấy xu hướng “du lịch yêu nước” đang lên ngôi và nở rộ, góp phần làm sống dậy tinh thần dân tộc trong mỗi hành trình. Du lịch giờ đây không chỉ dừng ở tham quan, nghỉ dưỡng, còn là hành trình tìm kiếm ý nghĩa, kết nối ký ức và khơi dậy lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc.

Là một trong số các địa bàn trọng điểm du lịch của cả nước, Quảng Ninh đã bắt nhịp nhanh chóng, đón đầu xu hướng “du lịch yêu nước” nhằm phát huy tối đa tiềm năng văn hóa, lịch sử địa phương. Trong hành trình ấy, huyện đảo Cô Tô dù nằm xa đất liền vẫn luôn là điểm đến đầy sức hút đối với những ai yêu quê hương, mong muốn được tìm hiểu lịch sử và lắng nghe những câu chuyện thiêng liêng nơi đảo ngọc tiền tiêu của Tổ quốc.

Nghi lễ thượng cờ trên đảo Cô Tô dịp kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo 9/5 (1961-2025) diễn ra trang trọng, thiêng liêng với sự tham gia của lãnh đạo huyện Cô Tô, lãnh đạo, CBCCVC-LĐ các ban, ngành, đơn vị, địa phương; nhân dân và du khách trên đảo. Ảnh: Đỗ Phương
Nghi lễ thượng cờ trên đảo Cô Tô dịp kỷ niệm 64 năm ngày Bác Hồ ra thăm đảo 9/5 (1961-2025) diễn ra trang trọng, thiêng liêng với sự tham gia của lãnh đạo huyện Cô Tô, lãnh đạo, CBCCVC-LĐ các ban, ngành, đơn vị, địa phương, nhân dân và du khách trên đảo. Ảnh: Đỗ Phương

Ngày 9/5/1961, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ra thăm đảo Cô Tô. Đây là nơi đầu tiên và cũng là nơi duy nhất được Bác Hồ cho phép dựng tượng khi Người còn sống. Đó không chỉ là niềm tự hào của người dân Cô Tô, mà còn là dấu ấn sâu sắc trong hành trình giữ gìn và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa của dân tộc.

Đến với Cô Tô hôm nay, một trong những trải nghiệm thiêng liêng và xúc động nhất đối với du khách là được tham gia Lễ thượng cờ, chào cờ và hát Quốc ca tại đảo tiền tiêu. Nghi lễ không chỉ là lời khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc, mà còn thể hiện tinh thần đoàn kết, khát vọng hòa bình và phát triển bền vững của dân tộc Việt Nam trong kỷ nguyên hội nhập và vươn lên mạnh mẽ.

Chị Nguyễn Phương Linh (du khách TP Hà Nội) chia sẻ: “Tôi đã từng có cơ hội tham dự Lễ thượng cờ trang nghiêm tại Quảng trường Ba Đình giữa lòng Thủ đô. Nhưng khi đứng trên đảo Cô Tô, giữa biển trời mênh mông của Tổ quốc nơi địa đầu Đông Bắc, nhìn lá cờ đỏ sao vàng tung bay trong gió, tôi cảm thấy một niềm tự hào dâng trào không thể diễn tả. Đó là một khoảnh khắc rất đặc biệt, vừa linh thiêng, vừa gần gũi. Tôi tin rằng, không chỉ riêng tôi mà tất cả những ai có mặt tại buổi lễ đều cảm nhận được tình yêu quê hương đất nước rung lên trong từng nhịp đập trái tim”.

Thúc đẩy tiềm năng phát triển

Quảng Ninh là vùng đất có bề dày lịch sử, văn hóa lâu đời, được xem là một trong những cái nôi của người Việt cổ và là nơi ghi dấu nhiều chặng đường quan trọng trong tiến trình dựng nước và giữ nước của dân tộc. Quảng Ninh gắn liền với thời đại nhà Trần là một trong những triều đại rực rỡ nhất của lịch sử Việt Nam. Trong đó, vùng đất Đông Triều còn lưu giữ nhiều di sản, dấu ấn của vương triều Trần với các di tích nằm trong quần thể khu di tích lịch sử nhà Trần trên địa bàn. Đặc biệt, đây là nơi Đức vua – Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành và hóa Phật – người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Quảng Ninh cũng là một trong những vùng căn cứ địa cách mạng quan trọng.

Khu vực trưng bày các hiện vật chiến tranh ở Bảo tàng Quảng Ninh thu hút đông đảo du khách tới tham quan và tìm hiểu dịp nghỉ lễ 3/4-1/5 vừa qua. Ảnh: Minh Đức
Khu vực trưng bày các hiện vật chiến tranh ở Bảo tàng Quảng Ninh thu hút đông đảo du khách tới tham quan và tìm hiểu dịp nghỉ lễ 3/4-1/5 vừa qua. Ảnh: Minh Đức

Quảng Ninh còn tự hào có kho tàng di sản văn hóa vô giá gồm trên 630 di tích lịch sử – văn hóa và danh lam thắng cảnh, cùng 362 di sản văn hóa phi vật thể, nổi bật có 8 di tích quốc gia đặc biệt, 12 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương đã vinh dự được 9 lần đón Bác Hồ về thăm, thể hiện sự quan tâm sâu sắc của Người đối với vùng đất địa đầu Đông Bắc Tổ quốc.

Với những lợi thế đó, Quảng Ninh đang sở hữu dư địa phong phú để phát triển mạnh mẽ xu hướng “du lịch yêu nước”. Đó là mảnh đất địa đầu Móng Cái anh hùng đã trở thành biểu tượng của tinh thần kiên cường, bất khuất trong bảo vệ chủ quyền quốc gia; là Đệ tứ chiến khu Đông Triều, một trong những cái nôi cách mạng của vùng Đông Bắc; là Quảng Yên, vùng đất bên dòng Bạch Đằng lịch sử, nơi vang vọng hào khí từ ba lần chiến thắng quân xâm lược Mông – Nguyên…

Không chỉ dừng lại ở việc bảo tồn các giá trị lịch sử, văn hóa truyền thống, các địa phương trong tỉnh đã đẩy mạnh số hóa di tích, kết nối tuyến điểm, xây dựng sản phẩm du lịch “Hành trình về nguồn” gắn với các địa chỉ đỏ, khu di tích cách mạng, tạo nên trải nghiệm chân thực, xúc động và đầy ý nghĩa cho du khách. Tiêu biểu, năm 2024, các cấp bộ Đoàn trong toàn tỉnh đã tổ chức gần 300 “Hành trình về nguồn” đưa thanh thiếu nhi đến tham quan, tìm hiểu các di tích lịch sử văn hóa, địa chỉ đỏ trong toàn tỉnh.

Hằng năm, Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn (TP Móng Cái) đón nhiều đoàn khách đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ và tham quan, tìm hiểu lịch sử. Ảnh: Hữu Việt
Hằng năm, Khu di tích lịch sử quốc gia Pò Hèn (TP Móng Cái) đón nhiều đoàn khách đến dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ và tham quan, tìm hiểu lịch sử. Ảnh: Hữu Việt

Đồng chí Ngô Thị Minh Sao, Phó Trưởng phòng Văn hóa, Du lịch và Khoa học công nghệ huyện Cô Tô, cho biết: Hiện tại, huyện Cô Tô có 3 cột cờ chủ quyền đặt tại Khuôn viên Quảng trường Di tích quốc gia đặc biệt – Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; khuôn viên cột cờ Tổ quốc xã Thanh Lân và khuôn viên cột cờ Tổ quốc thôn đảo Trần. Cùng với các hoạt động tham quan, tìm hiểu Khu di tích, huyện sẵn sàng phối hợp với các đoàn khách số lượng lớn để tổ chức cho du khách tham gia Lễ thượng cờ trên đảo và triển khai hoạt động tặng cờ Tổ quốc đã thực hiện thượng cờ và hạ cờ cho đoàn.

Địa phương cũng đang tích cực chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, thủ tục đảm bảo để triển khai các “Hành trình vì biển đảo quê hương” tại đảo Trần. Đồng thời, kết nối với các làng nghề làm mắm, làm sứa, các cơ sở OCOP chế biến hải sản… để đưa du khách đến trải nghiệm, tìm hiểu cuộc sống, sinh hoạt của người dân ở đảo. Qua đó, vừa nhằm tuyên truyền, giáo dục về truyền thống lịch sử, tình yêu quê hương, biển đảo và khơi dậy ý thức, trách nhiệm của mỗi người dân trong việc bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển đảo quê hương, vừa tạo thêm một sản phẩm du lịch nhằm kích cầu, thu hút khách du lịch đến với Cô Tô.

“Du lịch yêu nước” cũng là cơ hội để các địa phương làm mới lại các di tích, bảo tàng, câu chuyện lịch sử thông qua việc xây dựng các sản phẩm du lịch lịch sử, văn hóa vừa đủ trang nghiêm, vừa đủ hấp dẫn, kết nối với giáo dục, truyền thông và sáng tạo, mang lại những trải nghiệm sống động cho du khách. Với định hướng phát triển du lịch gắn với chiều sâu văn hóa lịch sử, Quảng Ninh đang nỗ lực để “du lịch yêu nước” trở thành một sản phẩm du lịch đặc sắc, góp phần gìn giữ ký ức lịch sử, lan tỏa giá trị nhân văn và khơi dậy mạnh mẽ tinh thần dân tộc trong hành trình phát triển bền vững và hội nhập quốc tế.

Nguyễn Dung





Du thuyền 5 sao Hạ Long